Năm 2012, ngành nuôi tôm nước ta đạt kim ngạch xuất khẩu 2,2 tỷ USD, tiếp tục là mặt hàng dẫn đầu về giá trị và có đóng góp lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6,18 tỷ USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2013 vẫn là năm ngành tôm phải đối mặt với không ít khó khăn.
Hậu quả lớn vì dịch bệnh
Đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp ghi nhận: năm 2012 đối với ngành tôm, hầu hết các con số đều giảm; nhưng dịch bệnh, diện tích nuôi và giá thức ăn lại tăng so với năm 2011. Cụ thể, năm 2012, giá trị xuất khẩu tôm giảm hơn 8% so với năm ngoái, sản lượng giảm 4%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhưng chủ yếu do dịch bệnh trên tôm, đến nay vẫn chưa xử lý được, cho dù các cấp, các ngành chức năng đã tốn nhiều tiền của, công sức để nghiên cứu, giải quyết. Tổng kết vụ nuôi tôm năm 2012, đã có trên 100.000 ha tôm bị thiệt hại nặng do bệnh dịch. Hàng triệu người dân từ nhiều năm nay sống bằng nghề nuôi tôm nước lợ ven biển, nay lâm vào cảnh khó khăn. Hàng trăm doanh nghiệp chế biến cũng phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do thiếu nguyên liệu.
Thu hoạch tôm tại Thừa Thiên -Huế (Ảnh:vietfish.org) |
Ngoài những bệnh thường gặp, từ giữa năm 2012, lại phát sinh thêm bệnh mới làm tôm nuôi chết hàng loạt. Bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp từ tháng 4 tới tháng 7, giữa thời điểm chính vụ nuôi tôm, khiến người nuôi và doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có phương án để hỗ trợ.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Khi chưa có bệnh hội chứng hoại tử gan tụy, danh sách được hỗ trợ chỉ có bệnh đốm trắng, đầu vàng, taura và một số bệnh gây chết tôm khác. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bổ sung danh mục những bệnh được hỗ trợ thêm chứng bệnh hoại tử gan tụy. Theo đó, vùng nuôi mắc hội chứng này được hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ về giống trong nuôi trồng thủy sản”.
Cùng với dịch bệnh, tồn dư hóa chất là nguyên nhân dẫn tới nguy cơ thiếu nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến tôm. Xác định rõ những nguy cơ này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khẩn cấp thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ gồm các nhà khoa học đầu ngành để tìm nguyên nhân và giải pháp điều trị.
Nghiên cứu cho thấy, đã phát hiện nhiều mối nguy gây bệnh trong cả ao nuôi và những chế phẩm sinh học làm sạch môi trường nước. Trong đó có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và tảo độc trong các đầm nuôi tôm. Nhiều chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất giống, nuôi tôm không đảm bảo chất lượng, không ít chế phẩm nhiễm vi khuẩn Vibrio với mật độ cao.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cảnh báo: “Chương trình giám sát tồn dư cho thấy tỷ lệ lạm dụng và tồn dư trong năm 2012 không giảm mà thậm chí còn cao hơn một chút so với năm 2011. Đây là rủi ro rất lớn thể hiện trong năm 2012, cảnh báo về tồn dư hóa chất kháng sinh trong thủy sản tăng lên. Cuối năm nay thì không những là những chất mới như ethoxyquin, eroflocine mà kể cả các tồn dư chất cũ như cloramphenicol hay nitrofuran lại bị thị trường Nhật Bản và các nước khác phát hiện”.
Nhiều rào cản mới
Trong khâu tiêu thụ, năm 2012 cũng ghi nhận những rào cản mới đối với ngành tôm. Đó là thị trường Nhật Bản phát hiện dư lượng chất ethoxyquin trong tôm của nước ta và ra yêu cầu bắt buộc kiểm tra 100% tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Mới đây, Hàn Quốc cũng phát hiện và nâng tần suất kiểm tra đối với chất này.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: “Hàn Quốc dự kiến sẽ kiểm tra theo quy trình hóa chất kháng sinh đến ngày 31/12/2012. Sau đó, nếu trong quá trình có phát hiện gì đó, họ sẽ có biện pháp tiếp tục. Vì vậy, hiện nay chúng tôi vẫn đang tìm hiểu phía bạn và trên cơ sở đó thông báo cho các doanh nghiệp có sự theo dõi và kiểm soát tốt hơn nhằm giúp cho tôm Việt Nam vẫn vào được thị trường Hàn Quốc.”
Công bằng mà nói, những năm gần đây, ngành nuôi tôm Việt Nam đã có sự tiến bộ vượt bậc cả trong quy trình và trình độ nuôi của người dân. Diện tích vùng nuôi đáp ứng tiêu chuẩn Viet GAP và các tiêu chuẩn quốc tế như Global GAP, mô hình nuôi tôm sinh thái ngày càng tăng mạnh.
Sản phẩm tôm Việt Nam đã có uy tín, chỗ đứng trên 130 thị trường thế giới. Từ nhiều năm nay, tôm trở thành sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp với giá trị xuất khẩu luôn giữ ở mức trên 2 triệu USD/năm. Tuy nhiên đến nay hạ tầng cơ sở vùng nuôi vẫn chưa hoàn thiện. Tình trạng thiếu đồng bộ, cấp-thoát nước cùng chung một hệ thống, cùng với tình trạng dùng chung đường dẫn nước tưới tiêu cho vùng nuôi cùng với nước cho sản xuất nông nghiệp là nguyên nhân khiến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thâm nhập vào đầm nuôi và tạo môi trường trung chuyển lây lan dịch bệnh giữa các đầm. Đây là những thách thức lớn đối với ngành tôm trong năm 2013.
Để vượt qua thách thức, khó khăn, ngành tôm cần triển khai nhiều giải đồng bộ trong năm 2013. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng: “Phải quản lý được việc thả giống của người dân, nhất là việc chuẩn bị ao đầm thời gian qua chưa tốt. Chất lượng tôm giống cần được tăng cường quản lý hơn. Hai yếu tố đó nếu năm tới tăng cường quản lý và cùng với giải pháp đang hoàn chỉnh từng bước về thủy lợi phục vụ cho vùng nuôi thì dịch bệnh sẽ giảm đi nhiều.”
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đàm phán trực tiếp với Nhật Bản để thương thuyết, điều chỉnh ngưỡng quy định tồn dư chất ethoxyquin cho phù hợp. Quy định tồn dư dưới 0,01 phần tỷ như hiện nay là quá khắt khe và không hợp lý; hơn nữa, lượng tồn dư có trong tôm của nước ta hiện không tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.
Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công khai danh sách những loại thức ăn chứa ethoxyquin và khuyến cáo người dân không nên nuôi tôm bằng thức ăn này.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám nêu rõ: “Tổng cục Thủy sản cũng được Bộ chỉ đạo đã lập danh mục những thức ăn không chứa ethoxyquin và danh mục thức ăn có chứa ethoxyquin và hướng dẫn người nuôi sử dụng thức ăn nuôi tôm không chứa ethoxyquin. Về nuôi trồng, tập trung tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, chỉ đạo theo mùa vụ, theo quy trình và đặc biệt, tập trung kiểm soát chất lượng các vật tư đầu vào, trong đó có con giống, tổng kiểm tra chất xử lý cải tạo môi trường. Bộ trưởng mới chỉ đạo bắt đầu từ năm 2013 cũng là năm Tổng cục Thủy sản trình với bộ về chương trình nghiên cứu để sản xuất được tôm thẻ chân trắng bố mẹ.”
Mục tiêu của ngành thuỷ sản trong năm 2013 là tiếp tục giữ vững diện tích nuôi tôm ở mức 1,2 triệu ha, sản lượng đạt 3,3 triệu tấn, tăng hơn 3% so với năm 2012; đảm bảo để ngành tôm tiếp tục là mặt hàng dẫn đầu về giá trị và có đóng góp lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta./.