Thời gian qua, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Thủy sản (NAFIQAD) và doanh nghiệp chế biến thủy sản đã nỗ lực kiểm soát Enrofloxacin trong sản phẩm thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng tôm. Tuy nhiên, cảnh báo nhiễm Enrofloxacin trong các lô thủy sản xuất khẩu sang Nhật Bản vào những tháng cuối năm 2011 lại có xu hướng tăng cao.

Thuy-san-nhiem-chat.jpg

Tôm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản bị cảnh báo nhiễm chất Enrofloxacin.

Theo hệ thống cảnh báo NK của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, và Trạm Kiểm dịch Sendai (Nhật Bản), trong 5 tháng đầu năm 2011, Việt Nam chưa có lô thủy sản nào bị cảnh báo nhiễm Enrofloxacin, nhưng bước sang tháng 6/2011 đã có 6 lô bị cảnh báo.

Trong tháng 7, số lô bị cảnh báo nhiễm Enrofloxacin giảm lại chỉ còn 3 nhưng tháng 8 lại tăng lên đến 7 lô bị nhiễm, tháng 9 có 12 lô, tháng 10 có 9 lô và từ ngày 1-18/11, trong số 9 lô tôm bị cảnh báo chất lượng đã có 6 lô nhiễm Enrofloxacin.

Như vậy, từ đầu năm đến ngày 18/11, có tổng cộng 43 lô tôm Việt Nam bị Nhật Bản cảnh báo nhiễm chất này, và số lô bị cảnh báo nhiễm Enrofloxacin có chiều hướng tăng nhanh và mạnh trong nửa cuối năm 2011.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, theo quy định hiện hành, Enrofloxacin chỉ bị liệt vào danh mục hạn chế sử dụng nên người nuôi vẫn tiếp tục dùng phổ biến, do đó hiện hiện khó có thể kiểm soát được việc sử dụng kháng sinh này trong nuôi tôm.

Trước tình hình này, ngày 13/9, VASEP đã gửi Công văn số 129/2011/VASEP-VPHH tới Tổng cục Thủy sản kiến nghị ban hành quyết định cấm sử dụng Enrofloxacin trong nuôi tôm và hướng dẫn người nuôi sử dụng chất thay thế./.