Ngư dân phải vay nhiều tỷ đồng từ Nghị định 67 của Chính phủ để sở hữu 1 chiếc tàu vỏ thép, thế nhưng không ít con tàu hiện đại này vừa hạ thủy và hoạt động chưa được bao lâu đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết phải nằm bờ sửa chữa. Sau những thực tế ở tỉnh Bình Định, tình trạng bất cập này lại đang diễn ra ở tỉnh Phú Yên, khiến nhiều chủ tàu vỏ thép đang lâm vào cảnh khó khăn.

Tàu cá vỏ thép PY 99991TS của ngư dân Phan Thanh Trị, ở phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa mang tên Hướng Biển 01, được hạ thủy vào tháng 9/2016. Con tàu này do Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng, thành phố Hải Phòng đóng với tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng, chuyên hành nghề lưới vây.

tauvothepphuyen2_kcsb_igjh.jpg
Ông Trị bị hư một mắt do sự cố trên tàu cá vỏ thép. (Ảnh: Báo Thanh niên)
Tuy nhiên, chỉ mới sau 4 chuyến biển, tàu đã bộc lộ nhiều tồn tại như cần cẩu chữ A không đúng thiết kế kỹ thuật, sắt yếu không đáp ứng yêu cầu đánh bắt, các bình nước ngọt làm mát hệ thống máy không phát huy tác dụng; đặc biệt, hệ thống làm lạnh, giá trị hơn 1 tỷ đồng không hoạt động được do thiết kế không phù hợp với thực tế.

Và đau xót hơn cho dù đã đầu tư cải hoán, sửa chữa mất thêm gần 70 triệu đồng, nhưng con tàu này vẫn gặp sự cố trên biển, khiến chủ tàu bị hỏng một con mắt khi đang khắc phục lỗi vận hành.

“Máy tàu không đạt yêu cầu, mới vận hành đến nửa đêm là tắt cùng với rất nhiều lỗi khác. Tàu đi 4 chuyến biển mà lỗ lên đến 700 triệu đồng”, ngư dân Phan Thanh Trị buồn bã nói.

Còn tàu vỏ thép lưới chụp của ngư dân Đỗ Ngọc Tín, xã Hoà Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, cũng được Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng đóng. Tháng 1/2017, con tàu mang số hiệu PY 99993TS, có chiều dài 28m, rộng 7,4m, tổng công suất 814 CV được hạ thủy. Có tàu vỏ thép, ông Tín hồ hởi mở chuyến biển đầu tiên nhưng chưa kịp vui đã phải đưa tàu vào bờ sửa chữa do lỗi kỹ thuật.

Theo thiết kế, tàu này chịu được gió cấp 8, cấp 9 nhưng mới gặp gió cấp 5 và sóng lớn đã như muốn chìm nên ngư dân không còn dám ra khơi đánh bắt.

Ngư dân Đỗ Ngọc Tín cho biết, theo thiết kế tàu có trọng tải trên 120 tấn, nhưng chỉ mới 60 tấn cả cá và tàu đã có hiện tượng mất cân bằng, chao đảo.

“Chuyến đầu năm ra khơi tàu hư toàn bộ từ cảo, tời… nên gia đình phải bỏ tiền túi làm lại gần 60 triệu đồng. Chuyến vừa rồi tàu đánh 10 tấn cá, gặp gió cấp 5, 6 đã có hiện tượng mất cân bằng nên phải vào bờ”, ông Tín nói.

Vay nợ hàng chục tỷ đồng nhưng không có được con tàu hiện đại như mơ để vươn khơi, các chủ tàu cá càng thêm bức xúc. Từ khi xảy ra sự cố kỹ thuật ở tàu cá họ đã nhiều lần yêu cầu các đơn vị liên quan có trách nhiệm về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự phản hồi, mặc dù tàu vẫn đang trong thời gian bảo hành. 

Những ngày qua, tỉnh Phú Yên đã trực tiếp về kiểm tra một số tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 có dấu hiệu bị lỗi kỹ thuật, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý tận gốc vấn đề, bảo vệ quyền lợi cho ngư dân.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản xuống làm việc trực tiếp với phía chủ tàu. Trên cơ sở đó phải rà soát lại tất cả các tàu thép đóng trong thời gian qua có liên quan đến doanh nghiệp đóng tàu để tỉnh có cơ sở nắm toàn diện.

“Tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu cụ thể, từ đó xem xét trách nhiệm của các bên liên quan. Kiểm tra kĩ nguyên nhân tàu hỏng do lỗi của ngư dân hay do thiết kế để tỉnh xử lý theo đúng quy định, từ đó hỗ trợ ngư dân bám biển tốt hơn”, ông Thế cho biết.

Tàu vỏ thép mới đóng nằm bờ không ra khơi đánh bắt được, những ngư dân như ông Phan Thanh Trị, Đỗ Ngọc Tín… đang đứng ngồi không yên với cục nợ nhiều tỉ đồng không biết lấy gì để trả./.