Trong quá trình phát triển đất nước, nữ doanh nhân đã và đang là lực lượng xung kích, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế cũng như tạo việc làm cho nhiều lao động nữ. Xu thế hội nhập đang tạo ra nhiều thuận lợi nhưng đi kèm với đó là những thách thức mà các doanh nhân nói chung và doanh nhân nữ nói riêng phải đối mặt. Điều này đòi hỏi nhà nước cần đưa ra những chính sách thiết thực nhằm tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy doanh nhân nữ phát triển.

Bà Nguyễn Bích Hòa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Minh Khai, thành phố Hải Phòng, một trong 7 doanh nghiệp vừa được tôn vinh là doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu cho biết: hiện doanh nghiệp này có trên 350 công nhân, chủ yếu là nữ, mức lương trung bình 4 triệu đồng một tháng.

Theo bà Hòa, phụ nữ khi làm kinh doanh thường gặp nhiều khó khăn về thời gian, khả năng giao tiếp, trình độ… so với nam giới. Thêm vào đó, họ còn phải quan tâm, chăm sóc gia đình nên thời gian dành cho công việc rất eo hẹp. Hiện nay, doanh nhân nữ chủ yếu hoạt động trong các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, xu thế mới đang  yêu cầu doanh nhân nữ  phải có chiến lược phù hợp với thị trường, phải tìm ra được phương pháp kinh doanh đúng với quy luật, thị hiếu của từng vùng, từng quốc gia để hội nhập thành công.

“Để hội nhập, doanh nghiệp phải luôn học hỏi, nắm bắt những thông tin cần thiết  để đưa ra thị trường cần những sản phẩm như đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp chúng tôi trước mắt, chỉ phát triển những mặt hàng truyền thống, mặt hàng có thế mạnh và kinh nghiệm, không phát triển các mặt hàng mới mà chỉ nghiên cứu các mặt hàng mới,” bà Hòa chia sẻ.

doanh_nhan_nu_viet_copy_vnky.jpg
Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện cho doanh nhân nữ như ưu đãi thuế, lao động, xúc tiến thương mại…

Nhiều doanh nhân nữ cho rằng, việc đất nước hội nhập vào sân chơi quốc tế đang mở ra cơ hội cực kỳ lớn về giao thương, hội nhập văn hóa, xã hội, kinh tế… Song đi kèm với đó là thách thức nếu như doanh nhân nữ không có đủ kiến thức, tiềm lực để kinh doanh lĩnh vực của mình thì dễ bị đuối sức, không theo kịp các nước trong khu vực và thế giới.

Là một doanh nhân thành đạt, bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương 5 cho rằng: trong xu thế mới, cạnh tranh sẽ rất khốc liệt giữa hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu. Vì vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải đặt mình vào vị thế người tiêu dùng để sản phẩm làm ra đảm bảo yêu cầu về chất lượng, cũng như giá cả hợp lý.

“Ở thị trường các nước, sự cạnh tranh bao giờ cũng rất quyết liệt, do đó đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải tốt, giá thành phải đủ sức cạnh tranh. Chính vì vậy đòi hỏi doanh nghiệp phải rất nỗ lực đảm bảo chất lượng sản phẩm, chúng ta đừng bao giờ lơ là chất lượng sản phẩm, bởi đây là yếu tốt quyết định sự phát triển của mỗi doanh nghiệp,” bà Hương nói.

Bà Hương cũng khuyến nghị, Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp ưu đãi thuế, lao động, xúc tiến thương mại để thâm nhập thị trường quốc tế trong thời gian tới.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nhân nữ có lợi thế đặc biệt, không chỉ ở tính sáng tạo, đổi mới mà còn ở sự tinh tế, nhân ái và là những người dẫn đầu trong trào lưu kinh doanh và đảm bảo trách nhiệm xã hội. Hiện nay, doanh nhân nữ thường hoạt động nhiều trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gắn với nông nghiệp nông thôn. Do vậy họ tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, sử dụng nhiều lao động nữ, góp phầm giảm gánh nặng cho đất nước.

Ông Lộc nói: “Trong những năm qua khi thống kê về số lượng doanh nhân đỗ vỡ trong sóng gió của thương trường, doanh nghiệp, doanh nhân nữ làm chủ trụ vững tốt hơn so với nam giới rất nhiều, chị em là điểm tựa trong thời giông bão của kinh tế hội nhập. Trong suốt những năm qua, trước sóng gió của thương trường, nhiều chị em kinh doanh thua lỗ nếu chỉ tính toán bài toán lỗ lãi đơn thuần thì nhiều chị em sẽ đóng cửa nhà máy và doanh nghiệp của mình để bảo toàn vốn và cắt lỗ, nhưng chị em không làm như vậy họ đã tiếp tục duy trì kinh doanh để bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động để đóng góp cho tăng trưởng, đóng góp cho ngân sách”.

Ở Việt Nam, nhiều nữ doanh nhân đã dẫn dắt các tập đoàn lớn từng bước vượt qua khó khăn, thành công không chỉ trong nước, mà còn vươn ra cả khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trong xu thế mới, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, cơ quan ban, ngành …các doanh nghiệp nữ cần nâng cao sức cạnh, đẩy mạnh đầu tư về công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, giá thành cạnh tranh… cũng như công tác truyền thông, giới thiệu, quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng đón nhận./.