Theo bình chọn của tạp chí Foreign Policy, nữ doanh nhân Trang Trần của Việt Nam đã lọt vào danh sách 100 nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2015 (Top 100 Leading Global Thinkers 2015).
Trang Trần là nhà sáng lập kiêm CEO của Công ty phát triển nông nghiệp Fargreen có trụ sở Hà Nội. Cô có tên trong nhóm Những nhà quản lý lỗi lạc (Stewards) nhờ sáng kiến dùng rơm trồng nấm để giúp hạn chế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài Trang Trần, nhóm Những nhà quản lý lỗi lạc (Stewards) còn có các nhân vật nổi tiếng như Đức Giáo hoàng Francis, ca sĩ người Mỹ Akon và Bộ trưởng Năng lượng các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) Suhail Al-Mazrouei.
Trang Trần - Nhà sáng lập kiêm CEO của Fargreen. (Ảnh trên tạp chí Foreign Policy). |
Trong phần giới thiệu về nữ doanh nghiệp này, Foreign Policy cho biết, nông dân Việt Nam đốt hàng chục triệu tấn rơm mỗi năm để dọn sạch cánh đồng chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo. Hành động này tạo ra các lớp khói dày và góp phần làm Trái đất nóng lên. Trang Trần đã thuyết phục nông dân thay đổi thói quen này bằng cách giải đáp câu hỏi: “Họ sẽ được gì nếu ngừng đốt rơm?”
Công ty Fargreen của Trang Trần chuyên hướng dẫn nông dân cách dùng rơm để trồng nấm; qua đó, tạo thêm việc làm cho người dân vào thời điểm nông nhàn, đồng thời tận dụng được loại nguyên liệu trước nay vẫn được xem như rác.
Thông qua hợp tác với các hộ nông dân ở Hải Dương, Fargreen đã có mùa thu hoạch nấm đầu tiên thành công hồi đầu năm. Công ty cho biết mỗi cá nhân tham gia chương trình trồng nấm rơm đã kiếm được thêm khoảng 50.000 đồng/ngày. Fargreen đã mua toàn nấm rơm của các nông dân và bán lại cho nhà hàng, và chợ đầu mối ở Hà Nội, tạp chí Mỹ cho hay.
Mô hình trồng nấm rơm của Fargreen. |
Nếu được nhân rộng trên toàn Việt Nam và cả ở những quốc gia trồng lúa khác, mô hình này sẽ có thể cải thiện đời sống nông dân và làm giảm thiểu lượng khí thải độc hại, Foreign Policy kết luận.
Tạp chí Mỹ nhận định, Trang Trần đã chọn nấm không chỉ vì rơm rất hữu ích cho việc trồng nấm, mà còn vì cô nhận thấy cơ hội kinh doanh bởi hiện nay khoảng 80-90% lượng nấm tại Việt Nam được cho là đến từ các nước khác, trong đó phần lớn là từ Trung Quốc./.