Bộ Tài chính vừa đề nghị sửa 5 luật thuế, trong đó việc kiến nghị sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) với 2 phương án nâng thuế suất từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 và tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2018 và 14% từ tháng 11/2021 đang tạo ra dư luận trái chiều bởi sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người lao động.
Bộ Tài chính vừa đưa ra đề xuất điều chỉnh hàng loạt sắc thuế trọng tâm liên quan đến doanh nghiệp và người dân (Ảnh minh họa: PLO) |
Nước sạch, thực phẩm tươi sống, đường nằm trong 14 nhóm hàng đang chịu thuế VAT 5% được Bộ Tài chính đề xuất nâng bước 1 lên nhóm chịu thuế VAT 10% và sau đó tới ngày 1/1/2019 sẽ tăng lên mức 12% cùng hầu hết các hàng hoá khác. Đề xuất này ngay lập tức khiến các chuyên gia cũng như hàng triệu người lao động lo lắng, phản ứng bởi lương tối thiểu vùng còn chưa đủ sống mà chi phí tiêu dùng đang có nguy cơ leo thang theo thuế VAT.
Chị Nguyễn Thu Hằng, nhân viên văn phòng cho biết, sẽ phải thắt chặt chi tiêu nếu như nhà nước tăng thuế, mặc dù mức lương cơ sở từ 1/7/2017 đã tăng từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng.
"Nếu sắp tới thuế VAT lại tăng thì giá nước, giá điện, giá các mặt hàng tiêu dùng chắc chắn sẽ tăng do đó gia đình tôi bắt buộc phải thắt chặt chi tiêu, vì nếu không tiết kiệm thì những lúc ốm đau, có công có việc thì không biết lấy ở đâu", chị Hằng chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Đông, người lao động tự do tại Hà Nội tỏ ra bất ngờ khi được hỏi về việc sắp tới thuế VAT sẽ tăng. Chị Đông cho biết, thu nhập mỗi tháng của chị vào khoảng 5 triệu đồng, có ba đứa con phụ thuộc, trình độ học vấn thấp nên chị không để ý đến thuế. Tuy nhiên, khi nghe thông tin thuế tăng, chị rất lo lắng vì cuộc sống hiện tại đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn. Theo chị Đông, nếu tăng thuế thì chủ nhà trọ cũng sẽ tăng tiền nhà lên, tiền điện, tiền nước cũng sẽ tăng lên, chưa kể tiền sinh hoạt hàng ngày.
Thất vọng, lo lắng là chia sẻ của nhiều người lao động mưu sinh ngoài đường phố khi được hỏi về việc tăng thuế VAT sắp tới. Anh Phạm Văn Quang, làm nghề xe ôm và bán hàng ăn hè phố chia sẻ, cuộc sống của anh hiện tại nhiều vất vả, với thu nhập gần 5 triệu/tháng anh phải lo cho 6 nhân khẩu trong gia đình. Trong thời gian tới nếu áp dụng tăng thuế VAT thì đời sống gia đình anh càng khó thoát khỏi cảnh nghèo khó triền miên. Tăng thuế sẽ kéo theo tăng giá xăng dầu, gây khó khăn cho việc chạy xe ôm hàng ngày của anh, cùng với đó giá cả thị trường leo thang sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống gia đình.
Năm 2018, mức tăng lương tối thiểu là từ 180 nghìn đồng đến 230 nghìn đồng/tháng, tùy vào khu vực. Mức tăng quá thấp này đã khiến người lao động thất vọng, không đủ bù vào mức tăng giá, chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của công nhân. Do đó, việc tăng thuế thời điểm này là không phù hợp với đại đa số người lao động có thu nhập thấp.
Theo các chuyên gia, cần tăng thuế có chọn lọc, với một số mặt hàng không khuyến khích như rượu, bia thì có thể xem xét điều chỉnh tăng, không nên tăng đại trà hay nhắm vào các mặt hàng thiết yếu mà người nghèo phải dùng. Không chỉ lo ngại tác động xấu tới nền kinh tế cũng như đời sống của người dân, các chuyên gia còn lo ngại việc tăng thuế VAT sẽ thúc đẩy các hành vi gian lận thuế, hoàn thuế VAT và mục tiêu tăng thu sẽ không đạt./.Đề xuất tăng thuế VAT: Nguy cơ thị trường lên “cơn sốt” tăng giá
Tăng thuế VAT 12%: Dễ thu nhưng coi chừng tác động ngược