Trong bối cảnh chi phí sản xuất ở Việt Nam còn cao so với nhiều nước trong khu vực, mức sống của đại bộ phận người dân còn hạn chế, nhiều chuyên gia khuyến cáo cần cân nhắc thận trọng đối với việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) vì có thể có những tác động ngược với nền kinh tế và đời sống của người dân.

Thận trọng với các tác động dây chuyền

Bộ Tài chính đề xuất chuyển một loạt hàng hoá từ không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) lên chịu thuế, những nhóm hàng đang áp mức 5% hiện tại lên 10% và tăng mức thuế VAT thông thường từ 10% - 12%, bắt đầu từ năm 2019.

Đây là loại thuế gián thu và đánh trực tiếp vào người tiêu dùng. Chẳng hạn với món hàng giá 1 triệu đồng, tới đây, có thể người tiêu dùng sẽ phải mất tới 120.000 đồng tiền thuế. Không chỉ hàng hóa, mà giá các dịch vụ cũng sẽ tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến “túi tiền” của người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp.

tang_vat_hbxm.jpg
Tăng thuế VAT sẽ khiến giá các loại hàng hóa, dịch vụ cũng sẽ tăng lên. (Ảnh minh họa: KT)
Thuế VAT “đánh” vào khâu cuối cùng của sản xuất kinh doanh, đó là tiêu dùng, nhưng chính các doanh nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng. Thuế VAT tăng cũng khiến nguyên vật liệu, chi phí đầu vào của sản xuất tăng theo. Giá cả hàng hóa bị đội lên, có thể hạn chế sức mua, từ đó khiến sản xuất, kinh doanh giảm sút.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nguyên phụ liệu chiếm tới 65-68% giá thành một sản phẩm may mặc. Tăng thuế VAT sẽ tác động cả dây chuyền sản xuất, từ chi phí đầu vào sản xuất vật liệu, dịch vụ vận tải… tăng, cuối cùng là người tiêu dùng phải chịu, mà doanh nghiệp cũng giảm sức cạnh tranh.

Không những thế, nhìn rộng ra, điều này có thể ảnh hưởng cả đến môi trường đầu tư. “Tăng thuế rõ ràng tác động chi phí đầu vào của doanh nghiệp, giá thành đội lên, người tiêu dùng cũng phải gánh chịu. Việc tăng thuế cũng không hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, doanh nghiệp phải chịu bao nhiêu chi phí vận tải, phí BOT, phí bảo trì đường bộ…nay lại thêm thuế VAT nữa, chi phí đội lên, giá hàng hóa xuất khẩu cũng tăng”, ông Giang lo ngại.

Ở một góc nhìn khác, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Uỷ Ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng, so với nhiều loại thuế khác, thì thuế VAT là dễ thu nhất, vì đây là thuế gián thu. Trong khi thuế thu nhập cá nhân còn phải tính toán các bậc, rồi còn lo chống gian lận hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp còn rất khó thu đối với doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc các hộ kinh doanh, thì thuế VAT dễ thu vì chỉ cần dựa trên hóa đơn bán hàng, người tiêu dùng trực tiếp trả.

Thế nhưng, nhiều các nước trên thế giới hạn chế tăng thuế gián thu, như VAT. Có nhiều nước vẫn giữ 10%, thậm chí chỉ có 5%. “Các nước cân nhắc khi đánh thuế gián thu. Nó không có tác dụng điều chỉnh theo thu nhập, không hỗ trợ cho người nghèo và không có tác động về mặt xã hội lớn như thuế trực thu”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.

Đối với Việt Nam, dù nâng lên vài phần trăm cũng tạo nguồn thu lớn, chi phí thu thấp và dễ đánh, ngân sách có lợi, nhưng nếu không thận trọng sẽ đi ngược với nhiều chính sách khác. “Một bên chúng ta kích cầu bằng nới lỏng tín dụng, kích cầu đầu tư và vận động tăng từng % tăng lương. Vậy mà thuế giá trị gia tăng lại tăng cao, thế là tác động ngược”, TS. Lê Xuân Nghĩa lưu ý.

Tăng thuế mà chi “vung tay quá chán”, còn ý nghĩa gì?

Theo Bộ Tài chính, lý do của việc đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng là vì mức thuế suất 10% hiện nay là thấp. Trong khi đó, kinh nghiệm thế giới cho thấy, khi nợ công tăng cao, các nước cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng thuế gián thu (thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt), để bù hụt thu từ giảm thuế thu nhập (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân), ưu đãi thuế xuất - nhập khẩu… Qua đó đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp và phù hợp thông lệ quốc tế…

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU – là những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới.

“Với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Trong khi đó, với mức thuế suất phổ thông trung bình cao hơn hẳn (21,3%), VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU. Điều này cho thấy, việc tăng thuế suất VAT không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách”, TS. Vũ Thành Tự Anh khẳng định.

Danh mục các quốc gia áp dụng mức áp thuế VAT và tỷ trọng đóng góp của thuế VAT trong tổng thu ngân sách.
Ngoài ra, TS. Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng, quan trọng nhất, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỷ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28-29% GDP.

“Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề, còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách vung tay quá trán hay các dự án nghìn tỷ đắp chiếu và kém hiệu quả,” TS. Vũ Thành Tự Anh thẳng thắn.

Trong bối cảnh nợ công tăng cao, nhưng vẫn có hàng loạt các dự án nghìn tỷ thua lỗ dừng hoạt động, rồi chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách, thì việc tăng thuế rõ ràng khó giải quyết được tận gốc vấn đề và giúp chính phủ đạt mục tiêu đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Bởi vậy, vấn đề cốt lõi là cần sử dụng hiệu quả từng đồng thuế của người dân và doanh nghiệp.

Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa, Chính phủ và Bộ Tài chính nên đi theo hướng tiết kiệm chi ngân sách hơn là chỉ tìm cách tăng thuế. “Cần giảm bộ máy hành chính, giảm chi tiêu xe công, giảm chi phí đi công tác nước ngoài…Nên duy trì mức thu thuế VAT như hiện nay từ 5-10%. Về lâu dài, chúng ta nên đơn giản, thay vì tăng lên 12%, có thể giảm từ 10% xuống 8% thì tốt hơn,” TS Lê Xuân Nghĩa khuyến cáo./.