Bản báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên của khoá mới, với dự báo nợ công, nợ Chính phủ tới cuối năm 2016 có thể vượt trần cho phép. Làm sao để cuối năm 2016 nợ công không vượt trần 65%GDP?
Tăng trưởng GDP giảm, đe dọa nợ công
Trả lời báo giới về tình hình nợ công tại cuộc họp báo sau khi nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn nêu quan điểm về gánh nặng nợ công hiện nay. Người đứng đầu Quốc hội cho rằng, Quốc hội đang kiểm soát chặt chẽ nợ công. Hiện nay, nợ công dù vẫn dưới mức trần 65% GDP nhưng nợ Chính phủ đã vượt trần 0,3%. Do đó, Quốc hội quyết tâm trong khóa này sẽ kiểm soát nợ công chặt chẽ, tính toán lại cách xác định nợ công sao cho đúng, đảm bảo.
Trong bản báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội, tốc độ tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2016 chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32% và thấp hơn mục tiêu cả năm 6,7%.
Tăng trưởng đạt thấp trong 6 tháng đầu năm sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về bội chi ngân sách Nhà nước trên GDP, nợ công và nợ Chính phủ. Và điều lo ngại đó được nêu rõ trong báo cáo của Chính phủ lần này. Theo đánh giá trên cơ sở phân tích số liệu vĩ mô nửa đầu năm 2016, nhất là con số về tăng trưởng GDP, bội chi ngân sách sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra, nợ công và nợ Chính phủ dự báo tới cuối năm 2016 cũng có thể vượt trần cho phép.
“Quốc hội sẽ kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm Việt Nam không giẫm lên vết xe đổ của các quốc gia đi trước. Trong thẩm tra các báo cáo kinh tế - tài chính, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và khi báo cáo trong Quốc hội phải kiểm soát chặt chẽ nợ công, không để tỷ lệ bội chi tăng lên mà phải dần dần kéo xuống. Quốc hội khoá trước dù có cố gắng nhưng không đạt hiệu quả. Quốc hội khoá này sẽ kiểm soát nợ công để đưa về quỹ đạo an toàn” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Đề cập con số 86 tỷ USD - tương đương với 1,8 triệu tỷ đồng là con số nợ công của Việt Nam được các cơ quan chức năng công bố, theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, nợ công đi liền với bội chi ngân sách. Bởi, theo một nghĩa nào đó thì nợ công chính là hệ quả của bội chi ngân sách triền miên, của sự mất cân đối giữa thu và chi. Trong khi thu còn khó khăn mà chi lại không suy giảm, cắt giảm mà thậm chí lại còn bành trướng, đặc biệt là chi thường xuyên ở các cấp, các ngành ở trung ương, địa phương, ở cơ quan đoàn thể trong Chính phủ và ngoài Chính phủ. Đó là hệ quả của việc quản lý cũng như kiểm soát nguồn chi của chúng ta hiện nay không hiệu quả. Vì thế, vấn đề quan trọng nhất hiện nay của chúng ta là phải cải cách chi.
Tăng thu bền vững, kiểm soát chi
Với mối quan hệ biện chứng của thu - chi ngân sách và hệ quả của nó là nợ công, chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, trước những diễn biến của tình hình kinh tế thế giới sau sự kiện Brexit tác động tới thị trường tiền tệ, trước các động thái khó lường của giá dầu và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, để nợ công không vượt trần vào cuối năm nay, cùng với tiếp tục thắt chặt chi tiêu, Chính phủ cần phải kiểm soát thật chặt chẽ các nguồn vốn vay.
Nợ công tăng liên tục trong 5 năm qua, bình quân tăng 18%/năm. Nếu cuối năm 2011, nợ công mới tương đương 50% GDP thì cuối năm 2015 đã là 62,2% GDP. Dự kiến năm nay bội chi ngân sách là 4,95% GDP với điều kiện GDP tăng 6,7%. Nếu giữ nguyên bội chi mà GDP không tăng như kế hoạch thì trần nợ công tương đương 65% GDP sẽ bị phá vỡ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải thừa nhận: “Bối cảnh hiện tại khó hy vọng giảm ngay được nợ công”. Vì trong lúc túi tiền quốc gia đang eo hẹp, thu ngân sách giảm mà các khoản chi vẫn tăng. Vì thế, không còn cách nào khác là phải thắt chặt chi tiêu và cơ cấu lại nguồn chi. “Phải kiên quyết tiết kiệm chi, cắt giảm những khoản chi chưa cần thiết, chi thường xuyên và cơ cấu lại đầu tư công mới có thể dần dần cân bằng… Tức là phải quản lý cả thu và chi để giảm dần áp lực, giảm bội chi”, ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trong lúc ngân khố hạn hẹp, quan trọng nhất là phải sử dụng có hiệu quả nguồn tiền quốc gia. Nếu Chính phủ dốc mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển sản xuất của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì nửa cuối năm 2016, nguồn thu ngân sách sẽ được cải thiện.
Với dự báo tăng trưởng GDP ở mức 6,2% trong năm nay, Ngân hàng thế giới (WB) cảnh báo Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách lớn. Các chuyên gia nêu giải pháp, cùng với tăng cường cải thiện môi trường đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp phát triển để tăng thu bền vững, phải thắt chặt chi tiêu, nhất là các khoản chi thường xuyên vẫn đang quá lớn./.