Theo Đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com, tính đến 9h00 (giờ Việt Nam) hôm 16/10, nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 84,607 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 933,41 USD; nợ công chiếm 47,3% GDP, tăng 10,6% so với năm 2013. Nợ công toàn cầu thời điểm này đang ở mức trên 54.459 tỷ USD.

So với cùng thời điểm hồi tháng 6/2014, sau 4 tháng, tổng nợ công của nước ta tăng 2,72 tỷ USD, bình quân nợ theo đầu người tăng 28,23 USD. Nhưng tính theo GDP, 4 tháng qua, tỷ lệ nợ công giảm 0,4%.

Theo TS Trần Du Lịch, cơ cấu nợ công (theo khái niệm nợ công đã được định nghĩa trong Luật Quản lý nợ công) của nước ta hiện nay, đang áp lực tăng nhanh nghĩa vụ trả nợ hàng năm vượt khả năng cân đối nguồn thu trả nợ của ngân sách trung ương, dẫn đến  tình trạng vay để đảo nợ ngày càng lớn.

Ông Lịch lấy ví dụ, năm 2014 nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ là 208.883 tỷ đồng, thì phần cân đối ngân sách chỉ có 118.750 tỷ đồng, phải vay để trả nợ khoảng 90.000 tỷ đồng. Con số này sẽ tăng dần trong các năm sau và đây chính là rủi ro đáng lo ngại của nợ công.

Theo phân tích của ông Lịch, “lâu nay khi nói đến an toàn của nợ công, chúng ta thường nhấn mạnh đến tỷ lệ nợ công so với GDP, mà chưa nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng hơn là tổng số nợ phải trả hàng năm so với tổng thu ngân sách nhà nước. Khủng hoảng nợ công hay không tùy thuộc quan trọng ở chỉ số này”.

Bởi vì, năm 2013, chỉ số này của Việt Nam là 22,3% và chắc chắn sẽ tăng nhanh trong các năm tới. Khi tỷ lệ trên vượt mức 25% thì bắt đầu giai đoạn báo động và vượt 30% là mất an toàn.

Nhìn vào nền tài chính công, ông Lịch cho biết: Việc bội chi liên tục để đầu tư trong 10 năm, mà không tạo ra được hiệu quả của một nền kinh tế có khả năng tạo ra giá trị cao hơn (tính tương đối) thể hiện sự thặng dư cho "tái sản xuất mở rộng" (căn cứ mức chênh lệch giữa nguồn thu và chi thường xuyên cộng trả nợ đến hạn), thì nguy cơ mất an toàn thực sự xảy ra.

Dẫn chứng cụ thể, ông Lịch cho hay, nếu năm 2006 bắt đầu bội chi bằng nguồn vay dưới nhiều hình thức để đầu tư, ở thời điểm chưa có thặng dư giữa nguồn thu và chi thường xuyên, thì vào thời điểm 2016, phải có thặng dư ngân sách cho đầu tư, sau khi chi thường xuyên và trả nợ đến hạn.

Tuy nhiên, theo quan sát của ông Lịch, “chúng ta đang diễn ra tình hình ngược lại, nên có thể đánh giá là vay đầu tư không mang lại sự thặng dư cho tài nguyên ngân sách”.

Với cách tính như vậy, TS Trần Du Lịch đề nghị cần có phân tích và đánh giá tình hình vay nợ trong 10 năm qua và xây dựng chiến lược tài chính công trong 10 năm tới, khi đó mới có sở đánh giá về tính an toàn. Do đó, “nếu không có dự báo xa, thì nhà nước hay doanh nghiệp, mà đến khi thấy sự mất an toàn xuất hiện, thì không thể chống đỡ kịp. Tình trạng này được gọi là “vỡ nợ”- ông Lịch nhấn mạnh cảnh báo./.