Tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2013, sáng nay (25/7), ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Kiểm toán Nhà nước cho biết, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) xác định số liệu nợ công đến 31/12/2012 giảm 1.632,6 tỷ đồng so với số báo cáo tại báo cáo các chỉ tiêu giám sát nợ do Bộ Tài chính tổng hợp thừa, thiếu một số khoản vay, khoản nợ.

Cụ thể, theo báo cáo các chỉ tiêu giám sát nợ công và nợ nước ngoài quốc gia năm 2012, tổng dư nợ theo Luật Quản lý nợ công đến 31/12/2012 là 1.642.916 tỷ đồng, bằng 55,7% GDP. Tuy nhiên, qua kiểm toán, số liệu nợ công đến ngày 31/12/2012 giảm 1/632,6 tỷ đồng so với số báo cáo tại Báo cáo chỉ tiêu giám sát nợ. 
Về nguyên nhân, KTNN cho rằng, do Bộ Tài chính tổng hợp thừa, thiếu một số khoản vay, khoản nợ. Trong đó, tổng hợp thiếu 1.292,4 tỷ đồng (cập nhật không kịp thời nợ nước ngoài; tổng hợp thiếu các khoản vay khác của chính quyền địa phương, vay nước ngoài được chính phủ bảo lãnh); tổng hợp thừa.

Theo KTNN, công tác quản lý nợ công của Bộ Tài chính còn chưa được tập trung vào một đầu mối là Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại nên việc tổng hợp số liệu nợ công theo một đầu mối còn khó khăn, dẫn đến số liệu tổng hợp còn sai sót.

 

Ông Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội:

“Hiện có nhiều nguồn cung cấp số liệu về nợ công, có thể từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. Cho nên, nói nợ công đang nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng bản thân nhiều đại biểu Quốc hội cũng chưa yên tâm về con số nợ công hiện nay”.

Bên cạnh đó, cũng chưa có báo cáo tổng hợp, phân tích đánh giá rủi ro đối với các khoản cho vay lại để xác định tình hình nợ xấu và nghĩa vụ dự phòng nợ của Chính phủ. Việc ghi thu, ghi chi chậm nên tình trạng của các chủ dự án nhận nợ chậm, thu hồi gốc, lãi về Quỹ tích lũy không kịp thời và khá phổ biến.
   

Tại thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh, hầu hết các chủ dự án chưa bố trí đủ mức vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 20% tổng vốn đầu tư mà chỉ cam kết sẽ đảm bảo tỷ lệ theo quy định, và cũng chưa báo cáo về tiến độ góp vốn chủ sở hữu trong quá trình triển khai dự án. 16/53 dự án đã hoàn thành rút vốn và nghiệm thu quá 6 tháng nhưng chưa đăng ký tài sản đảm bảo theo quy định. Một số dự án đã được cấp bảo lãnh nộp phí chậm hoặc không nộp phí bảo lãnh. Việc ứng trả nợ thay cho các dự án được Chính phủ bảo lãnh có xu hướng ngày càng tăng.

KTNN còn cho biết, việc triển khai sử dụng Quỹ chênh lệch lãi suất các dự án ODA của Chính phủ Đức chậm so với phương án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Số dư tài khoản viện trợ của Nga cho đào tạo trị giá 3,2 triệu USD đã bị báo cáo thiếu đồng thời cũng chưa nộp NSNN số dư tài khoản viện trợ này để tất toán tài khoản mở tại VCB theo quy định.

Đồng thời, còn tình trạng chuyển trả ngân sách nhà nước các khoản trả nợ nước ngoài vay về cho vay lại từ Quỹ tích lũy không kịp thời..../.