Chiều nay (10/6), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - thành viên Chính phủ đầu tiên được chọn để trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng (ảnh TBTC)
Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về tình hình nợ công, tình trạng chuyển giá, các biện pháp bình ổn thị trường giá cả…
Trong báo cáo này, về nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Dũng cho rằng, đây là khoản nợ phát sinh do cần thiết đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm, do chấp hành kỷ luật tài chính ở một số nơi chưa nghiêm. Do vậy, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng “cần thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng về việc thực hiện việc cân đối vốn dự toán để thanh toán các khoản nợ đọng của các công trình trong danh mục đã được phê duyệt. Phấn đấu tăng thu để có nguồn xử lý nợ đọng ở lĩnh vực này”.
Về nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều, (tỷ lệ nợ công trên GDP qua các năm 2010 là 51,7%, 2011 là 50,1%, đến 2012 là 50,8% và ước tính của 2013 là 54,1%). “Nợ công hiện ở dưới mức theo nghị quyết của Quốc hội là 65%”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Sở dĩ, nợ công tăng nhanh như vậy, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, là vì đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước, cần phải huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng.
Cơ cấu nợ công, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm. 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2 - 5 năm.
“Do vậy, áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các ngân hàng thương mại trong khi cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng này chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có thời hạn ngắn”, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.
Hiện nay, trên thế giới chưa có tiêu chí về phạm vi nợ công áp dụng chung cho các quốc gia. Phạm vi nợ công của phần lớn các nước bao gồm nợ Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Còn với Việt Nam, theo quy định của Luật Quản lý nợ công hiện hành, nợ công đã bao gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Còn các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh, nợ vay về cho vay lại của Chính phủ đã được tính trong phạm vi nợ công. Các khoản vay nợ của doanh nghiệp không được tính trong nợ công, bởi doanh nghiệp là người trực tiếp đi vay nợ để đầu tư và có nghĩa vụ trả nợ. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trả nợ.
Với thực trạng trên, Bộ trưởng Dũng cho rằng, với tổng mức dư nợ công hiện nay (54,1% GDP) và dự kiến bội chi ngân sách nhà nước đến 2015 và giai đoạn 2016 – 2020, theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, để đảm bảo khả năng trả nợ cần phải thực hiện những nhiệm vụ quan trọng.
Thứ nhất, việc thu ngân sách phải đạt yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đề ra trong chiến lược phát triển ngành tài chính đến 2020 và kế hoạch 5 năm 2011-2015. Đó là phải đạt tăng thu 12-14%/năm, cân đối ngân sách nhà nước vững chắc, bội chi hợp lý và dành khoảng 20% tổng thu ngân sách nhà nước để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.
Thứ hai, các khoản vay bù đắp bội chi cơ bản chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển và thực hiện quản lý, sử dụng hiệu quả, giải ngân đúng tiến độ, đúng quy định. Cơ bản không vay nước ngoài thương mại, lãi suất cao, thời gian ngắn, kể cả đối với các khoản vay về cho vay lại.
Cùng với đó, phải “Nâng cao hiệu quả quỹ tích lũy trả nợ để đảm bảo nguồn trả nợ của các khoản vay về cho vay lại; định kỳ đánh giá những rủi ro của nợ công để có biện pháp xử lý kịp thời và cơ cấu lại nợ một cách hiệu quả”.
Về các giải pháp giảm nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, sẽ thực hiện cân đối ngân sách tích cực, từng bước giảm bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP, bố trí nguồn để trả nợ trong nước, nước ngoài đến hạn hàng năm. Trong quá trình điều hành ngân sách Nhà nước, Bộ cũng sẽ phấn đấu tăng thu để sử dụng một phần hợp lý để tăng chi trả nợ.
Đặc biệt, Bộ sẽ “thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các khoản vay về cho vay lại, các khoản bảo lãnh cho doanh nghiệp; tập trung xử lý các khoản nợ vay về cho vay lại trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”./.