Từ đầu năm đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kích hoạt một số gói thuế quan lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Chính sách thuế quan của ông Trump nhằm mục đích giảm sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc, khiến chúng trở nên đắt đỏ hơn.

lamy_8_10_msfh.png
Ông Pascal Lamy, cựu Tổng giám đốc WTO (Ảnh: Getty Images)

Tuy nhiên, các động thái của Washington đã vấp phải những đòn trả đũa thuế quan từ phía Bắc Kinh, do đó cũng khiến hàng hóa Mỹ đắt lên tại thị trường Trung Quốc.

Theo cựu Tổng giám đốc WTO, mâu thuẫn thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm giảm sự gắn kết và hội nhập toàn cầu của chính hai nền kinh tế này.

Ông Lamy cho biết: Quan điểm của Tổng thống Trump là kinh tế Mỹ và kinh tế Trung Quốc đang quá gắn bó và cần phải tách biệt hai nền kinh tế này.

“Mục đích chia tách hai nền kinh tế là một dạng của chống toàn cầu hóa và được cho là việc làm cần thiết để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc”, ông Lamy nói. Ông Lamy hiện là Chủ tịch danh dự Viện nghiên cứu Jacques Delors.

Cựu Tổng giám đốc WTO cảnh báo, việc chia rẽ hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ gây ra hệ lụy đến vấn đề thương mại.

Tuy nhiên, ông Lamy vẫn tin tưởng, toàn cầu hóa sẽ vẫn giữ vai trò then chốt trong thương mại toàn cầu và sẽ huy động sự tham gia của Mỹ và Trung Quốc theo cách khác.

Chẳng hạn, Mỹ sẽ vẫn có quan hệ thương mại chặt chẽ với Liên minh châu Âu. Hay như mới đây, chính quyền Mỹ đã thống nhất một hiệp định thương mại mới với Canada và Mexico trên cơ sở sửa lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Ông Lamy cho rằng, quan điểm về thương mại toàn cầu đã thay đổi trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, bản chất của sự việc không nằm ở thương mại mà là vấn đề nội bộ.

Sau những nỗ lực đàm phán bất thành, ngày 24/9 chính quyền Mỹ đã chính thức áp thuế suất 10% lên 200 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc. Mức thuế này dự kiến sẽ tăng lên 25% vào đầu năm 2019.

Phía Trung Quốc cũng đã có đòn đáp trả khi áp thuế quan lên 60 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Trước đó, hai bên đã có đòn trả đũa thuế quan lên 50 tỷ USD giá trị hàng hóa của nhau./.