Sáng nay (23/12), tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, năm 2014, các DNNN tiếp tục thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo nguyên tắc thị trường, có lộ trình.

toan%20canh.jpg
Toàn cảnh phiên họp (ảnh V.H)

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của quá trình này thời gian qua, tháng 1/2014, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về việc thoái vốn. Dự kiến,các khoản đầu tư càng để càng lỗ sẽ cho phép bán nhanh, bán dưới giá trị để thu hồi vốn.

Theo đó, sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, giảm và bán toàn bộ vốn nhà nước ở các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối theo nguyên tắc thị trường và lộ trình đã được phê duyệt. Tăng cường công tác cán bộ, kiện toàn cán bộ lãnh đạo và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, năm 2014 sẽ tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đề án được duyệt. Tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Tổ chức lại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cho phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý.

Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động, tình hình tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, bảo đảm hoạt động đúng mục tiêu, nhiệm vụ được giao, bảo đảm hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật.

Có giải pháp phù hợp để các doanh nghiệp nhà nước sử dụng tiết kiệm đất đai, nhà xưởng, đồng thời tăng nguồn thu cho nhà nước và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng.

Trước đó, báo cáo trước Thủ tướng, các Bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Năm 2013, các cấp, các ngành đã tích cực đôn đốc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án tái cơ cấu của đơn vị mình: tính đến tháng 11/2013, đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu cho 63 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó: (i) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án của 17 đơn vị; (ii) Bộ chủ quản phê duyệt 40 đơn vị; (iii) UBND cấp tỉnh phê duyệt 6 đơn vị. Các Tập đoàn, Tổng công ty đã tập trung thực hiện giảm giá thành sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; triển khai kế hoạch tiết kiệm chi phí sản xuất - kinh doanh, tiết giảm chi phí quản lý theo hướng tối thiểu bằng hoặc cao hơn so với thực hiện năm 2012; trường hợp chậm trễ tổ chức triển khai thực hiện, không có báo cáo đầy đủ, kịp thời thì được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại Quy chế giám sát tài chính và công khai thông tin kèm theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013. Ngoài ra, các Tập đoàn, Tổng công ty có số đăng ký tiết kiệm chi phí năm 2013 thấp hơn so với số thực hiện năm 2012 thì phải giải trình rõ nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời./.