2 năm trước, Chính phủ đã chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Gần đây, Chính phủ lại tiếp tục yêu cầu đẩy mạnh quá trình thoái vốn để đến năm 2015 hoàn thành toàn bộ quá trình này. Tuy nhiên, câu chuyện đang bị "tắc", vì thoái vốn trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp cầm chắc thua lỗ. Mà thua lỗ, Chính phủ lại không chấp nhận.

bat-dong-san.jpg
Nhiều doanh nghiệp đang bị thua lỗ do đầu từ vốn vào các lĩnh vực: chứng khoán, bất động sản... (ảnh minh họa, nguồn: dothi.net)

Sau thời gian đua nhau bỏ vốn đầu tư tràn lan ra ngoài ngành, dẫn đến thua lỗ, nhiều doanh nghiệp nhà nước đang loay hoay tìm cách thoái vốn. Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp nhà nước tên tuổi khác đã công bố thông tin thoái vốn. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy đến hết tháng 9/2012, có 132 tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư ra ngoài ngành với tổng số tiền ước tính 22.405 tỷ đồng.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, đa phần các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều bị “tắt”. Vì hầu hết những khoản vốn đó đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản và ngân hàng. Những lĩnh vực này hiện nay lại rất khó khăn, khả năng thua lỗ là chắc chắn. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, với số vốn trên 22.000 tỷ đồng, vốn đầu tư ngoài ngành chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, lộ trình đến năm 2015 là hoàn toàn có thể thực hiện được, nếu doanh nghiệp quyết tâm. Bởi càng để lâu, càng lỗ.

Việc thoái vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước, trước mắt sẽ tác động đến doanh nghiệp được góp vốn, nhất là khi các dự án triển khai  theo chiến lược kinh doanh dài hạn. Tiến sĩ  Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, khi các doanh nghiệp Nhà nước hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, kinh doanh đúng ngành nghề sẽ tạo được sự ổn định cho nền kinh tế, hạn chế khả năng rủi ro thất thoát vốn nhà nước, tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng trở nên lành mạnh hơn.

Để đẩy nhanh việc thoái vốn ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước, tháng 7 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 71 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Nghị định trao quyền cho chủ sở hữu là các bộ, ngành chủ quản quyết định có thoái vốn hay không trong trường hợp thua lỗ. Thực chất là Chính phủ đã chấp nhận cắt lỗ đối với các khoản đầu tư ngoài ngành của một số doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề đặt ra là các bộ, ngành chủ quản sẽ căn cứ vào đâu để quyết định có thoái vốn hay không, cắt lỗ hay không cắt lỗ?.

Bởi ai cũng biết, phía sau sự chấp nhận thua lỗ, là ai phải chịu trách nhiệm về sự đầu tư không hiệu quả này.

Nếu đặt mục tiêu đảm bảo an toàn nguồn vốn Nhà nước lúc này rất khó giải bài toán thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên biết chấp nhận thắng, thua đúng lúc cũng là một cách hành xử thông minh của người kinh doanh. Việc một số nhà đầu tư bất động sản chấp nhận giảm giá bán căn hộ để xả hàng cắt lỗ, nhanh chóng thu hồi vốn vừa qua là một kinh nghiệm để các ông chủ doanh nghiệp quốc doanh sớm chọn cho mình một quyết định phù hợp. Bởi thoái vốn đầu tư ngoài ngành -  càng để lâu càng khó xử lý./.