Trả lời câu hỏi liên quan đến việc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước SCIC đem gửi ngân hàng 19.600 tỷ đồng trong năm 2012, trong khi các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nơi SCIC làm đại diện sở hữu Nhà nước lại đang thiếu vốn? ông Đặng Quyết Tiến- Phó cục trưởng Cục Tài chính DN lý giải: SCIC có 2 nhiệm vụ: Công ty đầu tư vốn, được giao quản lý quỹ hỗ trợ quản lý và sắp xếp DN, SCIC là người sử dụng quỹ, việc chi quỹ do Thủ tướng quyết định. Quỹ được lấy từ cổ phần hóa, quy mô từ 20.000 - 30.000 tỷ. Theo ông Tiến, SCIC được quyền quản lý và đem gửi tiết kiệm. Tất cả lãi đều được hoàn nhập để tăng số dư quỹ. Nguyên tắc hạch toán, SCIC phải công khai trên báo cáo, kèm báo cáo tài chính của SCIC hàng năm ở đâu, tăng quy mô quỹ bao nhiêu và được kiểm toán định kỳ.

SCIC có nhiệm vụ như một DN, có tiền nhàn rỗi được gửi ngân hàng. SCIC kinh doanh về vốn, giống ngân hàng, nếu nhìn thấy dự án hiệu quả thì làm. “DN thoái vốn nhưng SCIC không đầu tư vì thấy dự án không hiệu quả” – ông Tiến nhấn mạnh.

Về việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DN, ông Tiến cho rằng phải đảm bảo nguyên tắc thị trường công khai, minh bạch, có lộ trình, hoàn thành ở mức cao nhất. Tránh lợi dụng thoái vốn để đẩy phần thiệt về nhà nước. Chính phủ đã giao các tập đoàn, TCT có đề án thoái vốn. Đối với các khoảng đầu tư có khả năng thoái vốn phải có phương án phù hợp trình cấp Bộ trưởng và UBND tỉnh và phải gửi phương án để Bộ Tài chính thẩm tra. Với dự án có hiệu quả, khó khăn tạm thời, nguy cơ mất vốn chưa cao, các TCT có lộ trình phù hợp, trình cấp thẩm quyền,

Bộ Tài chính đã có hướng dẫn, khi thoái vốn phải đấu thầu, công khai trên thị trường, sau khi mở thầu, không có người mua thì bán thỏa thuận, phải được chủ sở hữu phê duyệt giá bán…/.