Năm 2015, Việt Nam đã đạt thành tựu kép, vừa kiểm soát lạm phát (0,63%) và duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Năm 2016, dự báo mức tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,7-6,8%, CPI từ 3-3,5%. Đây là một số thông tin đưa ra tại Hội thảo Công bố Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2015, do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức sáng 14/3 tại Hà Nội.

Theo báo cáo, hạ tầng tài chính Việt Nam được củng cố tích cực với việc sắp xếp, sáp nhập, giải thể 11 tổ chức tài chính, nâng cao tính minh bạch, tăng cường quản trị rủi ro. Năm 2015, gần 800.000 tỷ đồng tương đương gần 19% GDP đã cung ứng cho nền kinh tế thông qua kênh tín dụng ngân hàng, phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường vốn.

giai_the_jpg_enjr.jpg
Khách hàng chờ đợi tại quầy phát số và chỉ dẫn phòng đăng ký kinh doanh tại Sở KH-ĐT TPHCM. (Ảnh minh họa: SGGP)

Báo cáo cũng chỉ rõ nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế vẫn tăng trưởng chủ yếu dựa vào khối doanh nghiệp FDI; nợ công tiếp tục tăng nhanh, bội chi ngân sách nhà nước lớn.

Dự báo năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể cải thiện do các hiệp định thương mại tự do được ký kết và triển khai thực hiện. Ổn định kinh tế vĩ mô có điều kiện thuận lợi để tiếp tục duy trì; hệ thống tổ chức tín dụng có nhiều triển vọng, cả về tăng trưởng cũng như huy động vốn; kiểm soát nợ xấu ở mức thấp (dưới 3%).

Tuy nhiên nền kinh tế có thể phải đối mặt những rủi ro như giá nhiên liệu và hàng hóa chủ chốt vẫn biến động thất thường. Khu vực nông nghiệp tăng trưởng chậm, tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nhiều lĩnh vực còn chậm.

Cũng tại hội thảo sáng 14/3, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chính thức công bố việc áp dụng các chỉ số dẫn báo kinh tế và là cơ quan đầu tiên ở Việt Nam áp dụng chỉ số dẫn báo để dự báo kinh tế vĩ mô. Chỉ số dẫn báo kinh tế này được Ủy ban nghiên cứu, xây dựng dựa trên mô hình của OECD, có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện Việt Nam./.