Sáng nay (3/6), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2013 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề: “Giai đoạn mới trong cải cách kinh tế: từ chương trình nghị sự đến hành động”.
Diễn đàn do Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (Liên minh VBF) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức.
Diễn đàn tạo cơ hội đối thoại giữa Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cùng các nhà tài trợ, cơ quan ngoại giao nhằm thúc đẩy và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Hai câu hỏi mà ông David Whitehead, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội dự định đặt ra tại VBF giữa kỳ năm 2013 gần như vẽ trọn bức tranh về môi trường kinh doanh mà các nhà đầu tư đang muốn thể hiện.
Câu hỏi thứ nhất là, tại sao ngày càng ít nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và thứ hai là Chính phủ Việt Nam sẽ làm gì để cải thiện nguồn vốn này.
“Các nước ASEAN khác như Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Myanmar giờ đã nổi lên như những điểm đến đầu tư hấp dẫn. Vì vậy, ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu cũng có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tuy nhiên, vốn FDI toàn cầu đã tăng lên trong vài năm qua. Nếu Việt Nam không tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi hơn, thì nguồn FDI có thể tiếp tục giảm”, ông David Whitehead phân tích.
Cũng phải nhắc lại, tại VBF cuối kỳ năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã bày tỏ sự hồi hộp trước những động thái mạnh mẽ trong sự tái xuất của Myanmar với cộng đồng kinh tế quốc tế. Khi đó, thông điệp mà VBF muốn chuyển tải rất rõ ràng, đó là nếu Myanmar sớm có được Quy chế tối huệ quốc với Hoa Kỳ và châu Âu, thì khả năng cạnh tranh hàng may mặc, giày dép và đồ nội thất xuất khẩu của họ vào những thị trường này sẽ nhanh chóng vượt Việt Nam.
“Nếu chuyện đó xảy ra, Việt Nam sẽ bị mất hàng triệu việc làm”, ông Fred Burke, Trưởng Nhóm Công tác đầu tư và thương mại của VBF khuyến nghị.
Dường như sự hồi hộp của giới đầu tư nước ngoài 6 tháng trước đã chuyển thành sốt ruột khi hàng loạt kiến nghị gửi tới VBF giữa kỳ vẫn là những đề nghị đã từng được bàn thảo nhiều lần. Có thể nhắc tới những lo ngại về sự chậm trễ trong thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa, đề nghị đẩy nhanh lộ trình loại bỏ tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, yêu cầu làm rõ định nghĩa về dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng, quy định chi tiết thủ tục chuyển nhượng, đền bù đất đai… của các nhóm công tác thuộc VBF.
Thậm chí, Nhóm Công tác hạ tầng của VBF còn gửi tới thông điệp về cơ hội có một không hai để Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý cơ bản về mô hình hợp tác công - tư (PPP) sau thời gian thí điểm chưa đem lại những kết quả như mong muốn, khi mà các văn bản pháp luật liên quan đang trong quá trình sửa đổi. “Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng cam kết hàng trăm triệu USD, nhưng nhận thấy các quy định hiện nay còn rườm rà, có quá ít câu trả lời rõ ràng và mọi việc đều phụ thuộc vào các quyết định hành chính. Đã đến lúc cần hành động triệt để nhằm tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư. Cần đánh giá những dự án BOT thành công để xây dựng thông lệ tối ưu”, Nhóm Công tác hạ tầng của VBF kiến nghị.
Phải đặt các kiến nghị này của giới đầu tư kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã xuất hiện nhiều điểm sáng hơn kể từ giữa năm 2012 trở lại đây, mới thấy hết tính cấp bách của yêu cầu cải thiện thực thi chính sách. Sự lên điểm, dù rất nhỏ, của Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý II/2013 vừa được Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố đang cho thấy tín hiệu khôi phục đầu tiên trong niềm tin của giới đầu tư. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2011, BCI ghi nhận sự tin tưởng về ổn định kinh tế vĩ mô của giới đầu tư đến từ châu Âu.
Tuy nhiên, đúng như ông Paul Jewell, Giám đốc điều hành EuroCham chia sẻ, mọi việc vẫn đang ở mức trung bình và sự chờ đợi của các hội viên EuroCham tại các nước ASEAN là sự tiếp tục cải thiện ở tất cả các chỉ số./.