Dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng. Thị trường trong nước và xuất khẩu bị thu hẹp trong khi phí vận chuyển và kinh phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hạn chế, doanh thu không đủ chi khiến nhiều cơ sở kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp lao đao  

Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, thôn Phú Sum, Xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam là đơn vị sản xuất và kinh doanh thanh long xuất khẩu của Bình Thuận. Dịch bệnh khiến việc xuất khẩu bị chậm lại, giá thanh long xuống thấp, trong khi đó, ngoài các chi phí sản xuất, công ty có hơn 400 lao động làm việc thường xuyên.

Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu cho biết, DN rất cần Nhà nước hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp để có tiền trả lương cho công nhân, giữ chân người lao động và duy trì các hoạt động sản xuất.

“DN đang thua lỗ nhưng vẫn phải tiếp tục đầu tư để nuôi trồng cây vụ mới, nếu không đầu tư cây sẽ hư và DN sẽ phá sản. DN kiến nghị nhà nước xem có giải pháp nào cho DN vay thêm để có vốn xoay sở trong thời gian hiện tại nhằm chống chọi với dịch bệnh”, ông Hiệp khẩn thiết.

Cũng là đơn vị vừa sản xuất vừa kinh doanh, mỗi năm HTX Thanh long Thuận Tiến, ở thôn Thuận Điền, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, xuất khẩu từ 600 – 1.000 tấn trái thanh long đạt chuẩn GlobalGAP sang thị trường châu Âu, Mỹ, Australia, Canada…với doanh thu rất lớn. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến chi phí vận chuyển tăng nên ảnh hưởng rất lớn nguồn thu.

“Khi ký hợp đồng với đối tác nước ngoài, HTX thường là kí từ 1 - 3 năm. Khi biến động giá vận chuyển từ 3,9 USD/kg tăng lên 5,9 USD/kg đã khiến HTX cầm chắc thua lỗ khiến hiện tại bà con nông dân và HTX vô cùng khó khăn”, ông Trần Đình Trung, Giám đốc HTX Thanh long Thuận Tiến cho biết.

Hiệp hội mong gỡ vướng mắc thông quan

Ông Võ Huy Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết, thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc với gần 90% sản lượng mỗi năm. Thời gian gần đây, Trung Quốc thường thay đổi chính sách và quy định, không nhất quán về điều kiện quản lý kiểm tra, kiểm soát cũng như hoạt động xuất - nhập khẩu thông quan hàng hoá tại các cửa khẩu, khiến tình trạng ùn ứ phương tiện dẫn đến hư hỏng hàng hoá thường xuyên xảy ra.

“Chính sách nhập khẩu thanh long từ phía Trung Quốc liên tục thay đổi, điều kiện là bao bì phải có chứng nhận không nhiễm Covid-19 nhưg hiện nay tại Việt Nam không có cơ quan cấp chứng nhận bao bì không nhiễm Covid-19 nên việc giao thương hết sức khó khăn. Hiệp hội cũng kiến nghị với bên Hải quan và Bộ Công Thương Việt Nam khơi thông vướng mắc này”, ông Hoàng nói.

Hiện nay, Hiệp hội thanh long Bình Thuận cũng kiến nghị các Bộ, ngành liên quan cùng đàm phán trao đổi với các cơ quan chức năng Trung Quốc đảm bảo thực hiện theo đúng Hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước. Cụ thể là việc đưa ra chính sách, quy định nhất quán việc xuất khẩu tiểu ngạch tại các cửa khẩu phía Bắc có tính lâu dài và ổn định. Có như vậy, hoạt động thương mại biên giới phát triển lành mạnh, liên tục và ổn định.

Song song đó, Hiệp hội cũng đề nghị ngân hàng cần có những cách làm linh hoạt, để có giải pháp hỗ trợ tín dụng, tài chính thông qua việc tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay, đồng thời ban hành hướng dẫn cơ chế hỗ trợ lãi suất cho vay tín dụng mới trong năm 2021 – 2023 để bổ sung vốn lưu động giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã thanh long khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”./.