Sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) vừa chính thức cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận của Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, và là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam (sau vải thiều Lục Ngạn) được Nhật Bản cấp bằng chỉ dẫn địa lý.
Ngay từ năm 2006, quả thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa và ngày 8/7/2011, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long.
Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cho biết, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản. Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.
"Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý rồi, nhưng làm sao để đảm bảo chất lượng, rồi nguồn gốc sản phẩm, phát triển bền vững… bởi vì không phải sản phẩm nào sau khi đăng ký bảo hộ cũng đều phát huy được giá trị. Cái này nó phụ thuộc vào vấn đề quản lý, tổ chức, triển khai ở địa phương…", ông Đinh Hữu Phí thông tin thêm.
Theo ông Văn Công Thới - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận, hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận đã làm việc với các cơ quan Trung ương, các ngành, đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện các tiêu chí, tìm kiếm, bổ sung tài liệu chứng minh lịch sử sản xuất sản phẩm.
Đặc biệt, Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện việc hỗ trợ tỉnh Bình Thuận qua hai con đường: Hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản; và tăng cường tác động chính trị để đẩy nhanh quá trình này.
Cũng theo ông Đinh Hữu Phí, các cơ quan hữu quan đã phải tác động ở nhiều cấp, các kênh hợp tác song phương được thực hiện tích cực. Theo đó, một cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng là Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản. Trên cơ sở Bản ghi nhớ này, hai bên đã trao đổi, đề xuất lựa chọn mỗi bên 3 sản phẩm để tiến hành nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nước còn lại.
"Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản và Cục Sở hữu trí tuệ đã ký thoả thuận. Theo đó, họ đăng ký với chúng tôi cấp cho 3 sản phẩm của Nhật Bản chỉ dẫn địa lý đó là thịt bò, hồng, cá hồi. Và họ cấp cho chúng ta 3 sản phẩm là vải thiều Lục Ngạn, hai là thanh long Bình Thuận và 3 là cà phê Buôn Ma Thuột", ông Đinh Hữu Phí thông tin thêm.
Việc được Nhật Bản cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý theo nhận định của các chuyên gia là có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận, đồng thời, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, đặc biệt là các thị trường khó tính… Từ đây cũng cho thấy vai trò của sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu.
Ông Tạ Quang Minh - Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cho biết: "Việc đăng ký nước ngoài rất quan trọng để bảo vệ thị trường của chúng ta ở nước ngoài. Vấn đề sắp tới đây là cần phải hỗ trợ, hướng dẫn và giúp các địa phương có sản phẩm đặc sản tiến hành thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ không chỉ ở trong nước mà cả các nước là thị trường tiềm năng".
Trước thanh long Bình Thuận, năm 2020, lần đầu tiên vải thiều Lục Ngạn của Bắc Giang cũng được Nhật Bản cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, từ đó tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu vải thiều sang Nhật và các thị trường khác./.