Những ngày này, người nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa dùng đủ mọi cách để tiêu thụ cá, nhưng cũng không được là bao. Hàng tấn cá đến tuổi xuất bán vẫn nằm im dưới các hồ nuôi.
Mỗi ngày, cả nhà anh Trần Chung Hưng, Hợp tác xã Chế biến thủy Sản nước lạnh Sa Pa lại cặm cụi đăng tin rao bán cá hồi, cá tầm lên các trang mạng xã hội tìm mối tiêu thụ cá, được con nào hay con nấy, để bớt gánh nặng thua lỗ. Tuy vậy, lượng cá bán ra chỉ nhỏ giọt, được khoảng vài tạ/ngày.
Hiện, khoảng 100 tấn cá nước lạnh tại Sa Pa đang đến thời kì xuất bán. |
Từng thành công trong nghề nuôi cá nước lạnh, với doanh thu mỗi năm lên đến cả chục tỷ đồng, nhưng từ khi xảy ra dịch Covid-19, mọi đầu mối tiêu thụ cá đều không nhập hàng khiến vợ chồng anh Hưng mất ăn mất ngủ.
“Trước ngày 1/4, chúng tôi đã rất nỗ lực để tiêu thụ thông qua các trang bán hàng trên mạng, chia sẻ của cộng đồng mạng, lượng tiêu thụ gọi là túc tắc để giải quyết khó khăn và đủ tiền thức ăn duy trì cho cá sống ổn định. Thế nhưng, giao thông đều gần như bị cấm, cho nên rất khó khăn. Nếu không có phương tiện chuyên chở thì không có cách nào để có thể trụ lại được để tiếp tục duy trì được nữa”, anh Hưng nói.
Cùng tình cảnh, hiện nhiều chủ trại cá, chủ nhà hàng từng có doanh thu vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng từ việc kinh doanh cá đặc sản ở Sa Pa, đến giờ như đang "ngồi trên đống lửa".
Anh Lê Thanh Hải, Hợp tác xã Du lịch sinh thái Suối Hồ, Sa Pa hiện vẫn đang còn tồn trên 20 tấn cá thương phẩm nhưng chưa bán được, mỗi ngày phải bù lỗ gần chục triệu đồng tiền thức ăn. Trong vài tháng tới, nếu tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, thì chỉ riêng nguồn cung thức ăn cũng không đủ, bởi đều phải phẩm nhập khẩu. Nếu như trước đây, giá cá hồi khoảng 220.000 đồng/kg, thì hiện giá cá xuống thấp, chỉ khoảng 180.000 đồng/kg nhưng cũng rất khó tiêu thụ.
“Thời điểm này thì gần như không thể tiêu thụ được. Có chăng chỉ bà con, anh em thân thích kêu gọi mỗi hộ gia đình, anh em, họ hàng, bạn bè cũng chỉ tiêu thụ được một số rất nhỏ. Nếu có giải pháp được kết nối được với các cửa hàng ở dưới xuôi để mà có tiêu thụ được thì rất tốt cho bà con nuôi cá”, anh Lê Thanh Hải cho biết.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Sa Pa, đến nay có khoảng 100 tấn cá nước lạnh đang đến thời kì xuất bán, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp địa phương đang khuyến khích các cơ sở sơ chế, chế biến cá hồi để có thể bảo quản, xuất bán, mở rộng thị trường ngoài tỉnh. Hiện có khoảng 5-7 cơ sở đến bao tiêu mặt hàng cá nước lạnh qua sơ chế giảm sức ép cho người nuôi cá.
Bà Trần Thị Lan Hương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Sa Pa cho biết đang tích cực tìm kiếm thị trường để hỗ trợ tiêu thụ nông, thủy sản cho người dân.
“Khó khăn hiện tại trên địa bàn là sản lượng cá nuôi còn lại rất lớn. Chúng tôi cũng đã làm việc với các ngân hàng, rà soát hồ sơ để giảm lãi suất theo chỉ đạo của tỉnh. Đồng thời kết nối với Sở Công thương qua các đầu mối để tiêu thụ cá cho bà con”, bà Hương cho biết thêm.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, trong đó có nghề nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần đồng hành với người dân qua các chương trình hỗ trợ để vực ngành sản xuất vốn là hình ảnh của vùng đất du lịch Sa Pa ./.