VN-Index có thể tăng điểm trở lại với ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm
Thị trường chứng khoán điều chỉnh trở lại trong phiên 18/11 với thanh khoản trên mức trung bình. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 18/11, VN-Index giảm 6,02 điểm (-0,41%) xuống 1.469,83 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE là tích cực với 279 mã tăng, 39 mã tham chiếu, 245 mã giảm. HNX-Index tăng 5,78 điểm (+1,25%) lên 468,73 điểm. Độ rộng trên sàn HNX là tích cực với 167 mã tăng, 43 mã tham chiếu, 121 mã giảm. Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn gia tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với khối lượng khớp lệnh 1.222 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh 37.253 tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như: GAS (-3,1%), FPT (-1,8%), HPG (-2,8%), MSN (-1,7%), VIC (-1,9%), SAB (-1,3%), HVN (-2,3%)… cùng với các cổ phiếu ngân hàng như: ACB (-2,4%), CTG (-0,3%), MBB (-1,4%), STB (-1,3%), VCB (-1%), VIB (-1,4%), VPB (-2,1%), LPB (-1,7%), TCB (-1,3%)… đồng loạt bị bán mạnh trong phiên ATC đã khiến thị trường đóng cửa ở mức thấp nhất, dù phần lớn thời gian giao dịch trước đó là trong sắc xanh.
Nhóm cổ phiếu thép chịu áp lực bán khá mạnh trong bối cảnh giá thép thế giới đang trong xu hướng giảm, có thể kể đến các cổ phiếu như: HPG (-2,8%), HSG (-6,1%), NKG (-5%), TLH (-5,1%), TVN (-5,3%), SMC (-5,4%)... Nhóm phân bón cũng bị bán mạnh khiến nhiều mã giảm sâu như DPM (-5,6%), DCM (-5,7%), LAS (-4,1%), DDV (-2,7%)…
Ở chiều ngược lại, dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào nhóm bất động sản, xây dựng giúp hàng loạt mã đóng cửa tăng mạnh, thậm chí tăng trần như: ASM (+6,8%), CEO (+9,9%), CII (+6,9%), DIG (+7%), FLC (+6,8%), ITA (+6,6%), PTC (+7%), QCG (+6,8%), VPH (+6,7%)…
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), với phiên giảm điểm tương đối nhẹ của chỉ số VN-Index (-0,41%) thì xu hướng hiện tại của thị trường vẫn không có gì thay đổi và chỉ số này vẫn duy trì khả năng hướng tới kháng cự tâm lý 1.500 điểm trong thời gian tới.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 19/11, VN-Index có thể sẽ tăng điểm trở lại với ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Nhà đầu tư đã mua vào khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm và đã mua thêm trong phiên 11/11 khi thị trường test hỗ trợ 1.450 điểm có thể tiếp tục nắm giữ và gia tăng tỷ trọng nếu có nhịp test lại hỗ trợ 1.450 điểm lần nữa”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Thị trường có thể vẫn còn chịu áp lực điều chỉnh và phân hóa
Còn theo nhóm phân tích của Công Ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), thị trường có thể sẽ vẫn còn chịu áp lực điều chỉnh và phân hóa trong phiên giao dịch hôm nay 19/11. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn của thị trường tiếp tục tăng dần và dòng tiền ngắn hạn vẫn đang phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn sẽ khó có thể tìm kiếm lợi nhuận cao. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm nhẹ trong vùng lạc quan quá mức.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung bị hạ từ mức tăng xuống trung tính. Đồng thời, chúng tôi cũng hạ xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN30 xuống mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại. Ngoài ra, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét tiếp tục hạ margin về mức thấp”, chuyên gia của YSVN cho hay.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) nhận định, dòng tiền hiện không còn “nhiệt tình” với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như trước khi mà VN-Index đã tăng khá mạnh kể từ nửa cuối tháng 10 và hiện đang tiệm cận ngưỡng 1.500 điểm, thể hiện qua sự phân hóa rõ nét của nhóm cổ phiếu "trụ" trong thời gian gần đây. Mặc dù vậy, mức giảm của chỉ số chung trong phiên 18/11 là không quá lớn và thực tế chỉ số vẫn đang trong giai đoạn tích lũy tạo nền ngắn hạn trong quá trình hướng tới các mốc điểm số cao hơn.
“Những chính sách ổn định nền kinh tế của Chính phủ Việt Nam sau làn sóng dịch thứ 4 được kỳ vọng sẽ góp phần giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư và theo đó nâng đỡ chỉ số chung cũng như hạn chế khả năng chỉ số lao dốc sâu. Theo đó, đây là thời điểm khá phù hợp để nhà đầu tư dài hạn có thể lựa chọn tích lũy một số cổ phiếu có mức định giá hấp dẫn và triển vọng ổn định hoặc vẫn tăng trưởng tích cực trong giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị./.