Làng Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) nổi tiếng với nghề trồng hoa. Mỗi năm vào các dịp lễ tết, hoa ở đây thường được xuất đi các tỉnh, thành với số lượng lớn. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là tới Tết nguyên đán, người dân làng này lại đang phải đối mặt với tình trạng hoa bị rớt giá nghiêm trọng do nguồn cung quá lớn trong khi sức mua lại giảm mạnh.

hoa_1_iehh.jpg

Anh Nguyễn Văn Hiếu đang vặt bỏ các luống hoa nở quá sớm để dành đất cho lứa hoa sau.

Anh Nguyễn Văn Hiếu (26 tuổi), chủ một vườn hoa cúc trong làng chia sẻ: “Năm nay hoa nở sớm mà không bán kịp do phải cạnh tranh với các làng hoa ở các tỉnh, thành khác như Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng… nên xảy ra tình trạng tồn đọng hoa với số lượng lớn. Như tôi buộc phải bỏ đi 6/8 luống hoa đã nở để dành đất trồng các lứa hoa sau”.

Những năm trước, hoa cúc ở đây bán rất được giá. Thông thường, mỗi bó hoa cúc 50 bông có giá từ 60.000-70.000 đồng, vào những dịp lễ tết, con số này có thể lên tới 90.000-100.000 đồng. Nhiều khách mua hàng còn xuống tận ruộng để chọn mua hoa đẹp với giá 1.500-2.000 đồng/bông.

 

Các luống hoa sau khi bị vặt bỏ được để ngay tại vườn, chờ đến khi khô héo sẽ được đem đi đốt để lấy tro. Mặc dù rất xót xa, người nông dân vẫn phải bỏ đi chính công sức lao động của mình.

 

Trái ngược hoàn toàn với những mùa bội thu ấy, giá hoa cúc năm nay rớt thê thảm, mỗi bó 50 bông chỉ còn khoảng 30.000 đồng. Đối với khách mua lẻ, các chủ vườn hoa chỉ bán được với giá cao nhất là 1000 đồng/ bông loại đẹp.

Bà Nguyễn Thị Tuyết (45 tuổi), một chủ vườn cũng đang phải đối mặt với tình trạng hoa bị tồn đọng chán nản nói: “Tiền vốn, tiền phân bón, điện nước cho mỗi lứa hoa cúc trồng trong khoảng 3 tháng chúng tôi phải bỏ ra gần chục triệu đồng. Thế mà bây giờ hoa rớt giá, bán không được, giữ lại cũng không xong, coi như mỗi lứa chỉ thu về được 3-4 triệu đồng. Bao nhiêu công sức bỏ ra không những không thu được vốn mà còn lỗ thảm hại”.

Những luống hoa cúc nở to, đẹp này nếu không bán kịp cũng sẽ bị vứt bỏ như những luống khác.
Tình trạng này khiến cho người nông dân hết sức hoang mang. Được biết một vài năm trước, việc rớt giá cũng đã xảy ra nhưng chưa năm nào họ phải tự tay vứt bỏ chính công sức lao động của mình nhiều đến thế. Các chủ vườn đều hy vọng giá hoa sẽ có sự chuyển biến tích cực vào khoảng thời gian từ rằm tháng Chạp đến Tết nguyên đán để cải thiện tình hình ảm đạm như hiện nay./.