Trước thông tin một số sản phẩm sữa của New Zealand nghi nhiễm khuẩn, Công ty Abbott Việt Nam và Công ty Danone Việt Nam đã thu hồi hơn 12.000 hộp sữa loại này.

Những ngày qua, một vài doanh nghiệp trong nước khẳng định không nhập nguyên liệu từ Fonterra, New Zealand để sản xuất. Tuy nhiên, dư luận lại tỏ ra chưa yên tâm trước những thông tin này. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường – Bộ Công thương về vấn đề này.

** Xin ông cho biết thông tin cụ thể về tình hình cũng như số lượng sữa đã thu hồi?

Ông Đỗ Thanh Lam: Ngày 5/8 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm Bộ y tế yêu cầu Công ty Abbot Việt Nam và Danone Việt Nam dừng lưu thông và thu hồi sản phẩm. Đã có khoảng 12.000 hộp sữa bị thu hồi. Trước tình hình này, Cục Quản lý thị trường chỉ đạo quản lý thị trường cả nước tiếp tục kiểm tra, phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn kịp thời xử lý. 

**Việc xác minh sữa nhiễm khuẩn và thu hồi có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Ông Đỗ Thanh Lam: Cục Quản lý thị trường đã yêu cầu các công ty, đặc biệt là Abbot Việt Nam có báo cáo về nhập khẩu và phân phối sản phẩm này trên thị trường. Hiện Cục Quản lý thị trường chưa có đơn vị trực tiếp kiểm soát, nên những vấn đề liên quan phải thông qua hệ thống chi cục quản lý thị trường. Chúng tôi cũng có văn bản gửi Cục An toàn thực phẩm có thông tin đầy đủ về nhập khẩu và lưu hành sản phẩm này trên thị trường cả nước. Chúng tôi sẽ phối hợp với Cục An toàn thực phẩm xác minh xem các lô hàng đã nhập về Việt Nam phân phối tại đâu.

**Mới đây, một số doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước khẳng định không nhập khẩu nguyên liệu từ Fonterra, New Zealand. Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa yên tâm. Ý kiến của ông như thế nào?

Ông Đỗ Thanh Lam: Chúng tôi đang xác minh và đề nghị công ty Abbott phối hợp về việc phân phối tại Việt Nam.Nếu đơn vị nào nhập khẩu lô sản phẩm này, chúng tôi sẽ phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, bảo vệ quyền lợi người dân. Tuy vậy, khi doanh nghiệp nhập nguyên liệu, đó không phải là hàng bán trên thị trường, thì lô hàng đó lại thuộc phạm vi kiểm soát của cơ quan kiểm soát chất lượng, Họ đã có đánh giá chất lượng ngay từ đầu về.

similac-abbott-nd123.jpg
Kiểm tra các lô hàng sữa Similac GainPlus EyeQ - Ảnh: Cục ATVSTP

** Từ vụ việc này cho thấy cơ quan chức năng cần phải làm gì trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, thưa ông?

Ông Đỗ Thanh Lam: Hiện nay, ngoài hàng hóa nhập khẩu chính thức được cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra kiểm soát về chất lượng, còn có lượng hàng hóa xách tay theo tiêu chuẩn của những người đi nước ngoài, không loại trừ lượng khác thẩm lậu. 2 luồng hàng này không được kiểm tra chất lượng. Đây là vấn đề cần xử lý. Các cơ quan chức năng cần phải xử lý quyết liệt. Còn người dân khi mua hàng hóa phải lấy hóa đơn chứng từ để khi có phát sinh về kém chất lượng hay hàng giả mới có cơ sở xử lý.

** Xin cảm ơn ông!.