Ngày 5/8, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, theo báo cáo mới nhất của Công ty Abbott Việt Nam, đến hết ngày 4/8, việc thu hồi đã được thực hiện tại 2.050 cửa hàng, 90 nhà phân phối tại các địa phương và 5 chuỗi siêu thị. Tổng số thùng Similac GainPlus Eye-Q nghi nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum đã đưa ra thị trường là 12.927 thùng, đã thu hồi 10.135 thùng. Công việc thu hồi đang được tiếp tục.

Theo ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATVSTP, đây là sự cố thu hồi sữa với số lượng lớn nhất tại Việt Nam từng được ghi nhận trong những năm gần đây. Ông Trung cũng nói thêm rằng các sản phẩm dinh dưỡng không thuộc các lô bị khuyến cáo và các dòng sản phẩm khác của Abbott vẫn an toàn. Ngoài New Zeland, các thành phẩm và nguyên liệu sản xuất sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ nhập vào Việt Nam được sản xuất tại các quốc gia khác nhau: Hàn Quốc, Đan Mạch, Nhật Bản, Mỹ luôn được kiểm soát chất lượng…

Cũng theo ông Trần Quang Trung, để ngăn ngừa nguy cơ sản phẩm nhiễm khuẩn Clostrium Botulinum, Cục đang yêu cầu tất cả doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất sữa và chế phẩm từ sữa phải báo cáo về Cục toàn bộ nguyên liệu cũng như sản phẩm nhập từ New Zealand, đặc biệt do công ty Fonterra sản xuất nhất là lô có nhiễm vi khuẩn; yêu cầu cơ quan kiểm tra nhà nước tăng cường kiểm tra vi khuẩn Clostridium Botulinum khi hàng nhập về Việt Nam; Cục yêu cầu các công ty khẩn trương thu hồi, báo cáo về Cục, đặc biệt thông báo đến người tiêu dùng.

Cục cũng khuyến cáo người dân xem đáy hộp sữa về số lô có trùng với các lô đã bị thu hồi không. Nếu đã cho trẻ dùng thì lưu ý xem con có biểu hiện nôn hay tiêu chảy không để đưa đến cơ sở y tế kịp thời./.