Công nghệ phát triển chóng mặt cùng với internet kéo theo nhiều ngành nghề, lĩnh vực mới xuất hiện. Từ mô hình đặt phòng, đặt tour online đến taxi công nghệ và lĩnh vực nội dung số. Đây là xu thế tất yếu tuy nhiên lại đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý trong việc xây dựng các văn bản pháp lý quy định hoạt động cho các hình thức mới này. Khó khăn này không chỉ có riêng ở Việt Nam mà đang diễn ra trên toàn thế giới.

vov_qly_pt_th_nxky.jpg
Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (sửa đổi) tổ chức ngày 12/12.

Câu hỏi "Câu chuyện giữa Grab và Vinasun liệu có tiếp tục lặp lại trong lĩnh vực quản lý dịch vụ phát thanh - truyền hình?" được nhiều đại biểu từ doanh nghiệp đến các nhà quản lý chính sách nêu lên trong hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (sửa đổi) do Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hiệp hội Thương Mại Hoa Kỳ (Amcham) tổ chức ngày 12/12 tại Hà Nội.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (Dự thảo Nghị định) do Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đang chủ trì soạn thảo, nhằm mục đích muốn tạo "sân chơi" bình đẳng giữa phát thanh - truyền hình truyền thống và các dịch vụ nội dung số cung cấp trên nền tảng internet. Từ đó, đưa các dịch vụ nội dung số cung cấp trên nền tảng internet (dịch vụ OTT) vào quản lý tương tự như dịch vụ phát thanh - truyền hình trả tiền (dịch vụ truyền hình kỹ thuật số, truyền hình cáp...).

Tuy nhiên, dự thảo đang nhận nhiều ý kiến trái chiều và được nhiều chuyên gia ví như câu chuyện quản lý của Bộ Giao thông Vận tải đối với mô hình taxi truyền thống và mô hình taxi công nghệ là Grab.

Ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam
Theo ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam và Hiệp hội Truyền hình đa kênh Châu Á (AVIA- trước đây là Hiệp hội Truyền hình trả tiền Châu Á Thái Bình Dương), cùng với sự phát triển của công nghệ, dịch vụ OTT cũng phát triển mạnh mẽ trong khoảng 3 năm trở lại đây tại Việt Nam.

"Nếu như truyền hình truyền thống để đạt 1 triệu thuê bao phải mất tối thiểu 3 năm để phát triển mạng lưới dịch vụ và khách hàng, thì dịch vụ OTT chỉ mất chưa đến 1 năm. Sự phát triển này là do bản chất dịch vụ khác nhau quyết định, không khác gì mô hình giữa Grab, Uber và taxi truyền thống", ông Vũ Tú Thành nêu ví dụ.

Đối với phát thanh - truyền hình truyền thống, để một chương trình nước ngoài được phép lên sóng cần 2 loại giấy phép: giấy phép phát sóng thông qua một doanh nghiệp Việt Nam và giấy phép biên dịch thông qua một cơ quan báo chí Việt Nam.

Trong khi, dịch vụ OTT cung cấp dịch vụ nội dung số bao gồm các chương trình truyền hình, phim, ca nhạc... hay nói chung là các chương trình được số hóa cung cấp trên nền tảng internet xuyên biên giới thì hiện nay chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào quy định. Do đó, việc cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng công cụ quản lý nhằm đảm bảo công bằng giữa mô hình phát thanh - truyền hình truyền thông và OTT là không sai, nhưng hợp lý chưa thì còn nhiều điều phải xét.

Không bổ sung điều kiện kinh doanh, chỉ mở rộng lĩnh vực quản lý

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Bộ TT&TT giải trình mục đích sửa đổi Nghị định này nhằm đảm bảo cạnh tranh và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào thị trường, nhưng trong Dự thảo Nghị định lại quy định thêm việc cấp phép, đi ngược lại với mục tiêu đã giải thích.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM

"Bộ TT&TT không bổ sung thêm điều kiện kinh doanh nhưng lại bổ sung thêm hẳn một danh mục ngành nghề. Dịch vụ phát thanh - truyền hình trả tiền, trong dự thảo này đã mở rộng thêm phạm vi lĩnh vực quản lý thậm chí còn có tác động lớn hơn là bổ sung điều kiện kinh doanh", bà Thảo nhấn mạnh.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo mở rộng đến tất cả các nội dung có hình ảnh hoặc âm thanh, như vậy sẽ bao phủ một khối lượng rất lớn nội dung trên online, đặt ra câu hỏi về khả năng quản lý của Bộ, liệu có đủ năng lực cấp phép và kiểm tra toàn bộ nội dung từng chương trình online.

Đại diện CIEM cũng cho biết Thủ tướng đã có yêu cầu nếu thêm một điều kiện kinh doanh cũng phải báo cáo Chính phủ, trong trường hợp này việc mở rộng phạm vi ngành nghề chịu điều kiện kinh doanh có thể phải thuộc thẩm quyền Quốc hội./.