Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thua vừa diễn ra, nhiều thảo luận ở khía cạnh này khía cạnh khác, rốt cuộc vẫn xoáy vào một trọng tâm là “thúc” cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn. Bởi tính đến thời điểm tháng 9/2014, theo đánh giá của các chuyên gia, quá trình này diễn ra còn rất chậm, hiệu quả thấp.
Xoay chuyển cơ cấu có tính chiến lược chưa diễn ra
TS Võ Trí Thành đánh giá: "Tham vọng của tái cơ cấu là quá lớn, bao gồm ổn định, cải cách và hội nhập, trong khi nguồn lực bỏ ra lại quá hạn chế. Cho nên không quá bất ngờ khi kết quả chỉ đạt ở mức phục hồi vẫn là một chặng đường đầy gập ghềnh; cải cách đang là thách thức, và ổn định còn quá mỏng manh".
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc Hội, kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi nhưng quá mong manh dẫn đến dễ vỡ. Bất cứ một tổn thương nào của kinh tế thế giới cũng dễ dàng tác động vào kinh tế trong nước, khi đó sức đề kháng quá yếu có thể sẽ dẫn đến sụp đổ.
Và TS Lưu Bích Hồ cũng trăn trở: Nếu nói nền kinh tế đã thoát đáy và đang đi lên thì e rằng chưa thuyết phục. Theo ông, nền kinh tế phải ít nhất 3 năm nữa mới ra khỏi đáy. Hiện tại, đang ở “vùng đáy mấp mô”, vì “có thể tăng lên được tí lại xuống ngay. Những chỉ số CPI, GDP… không ổn định, ko nói lên được sự đi lên của nền kinh tế một cách rõ ràng”. Tuy nhiên, ông Hồ cho rằng, “tái cơ cấu không thể nhanh được, đừng bức xúc quá. Muốn có sự chuyển biến cơ bản, cần có thời gian”.
Nhưng PGS, TS Trần Đình Thiên, nhìn nhận quá trình tái cơ cấu kinh tế đang chậm đều. Theo đánh giá của ông, “quyết tâm ban đầu rất mạnh, nhưng quá trình thực thi thì chậm. Biểu hiện là kết quả đạt được trong từng lĩnh vực tái cơ cấu, về thực tiễn, rất ít; những xoay chuyển cơ cấu có tính chiến lược chưa diễn ra”.
Cũng đánh giá về sự chuyển biến trong tái cơ cấu kinh tế còn mơ hồ, TS Cao Sỹ Kiêm nhận định, thời gian qua công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế đã được Quốc hội chú trọng, tập trung giải quyết. Tuy nhiên, những kỳ vọng về chuyển biến vẫn rất mơ hồ, các biện pháp đưa ra vẫn chỉ mang tính tình thế, giải quyết vấn đề tạm thời, chưa có kết quả cho thấy có sự chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu. “Với 3 mục tiêu đột phá đặt ra, đến nay, vẫn chưa có ý nghĩa đột phá cụ thể nào trong thực tiễn. Nếu tiếp tục diễn ra như hiện nay, khó đạt sự đột phá như mục tiêu”- ông Kiêm sốt ruột.
Trong khi đó, những vấn đề nền tảng: nợ công, nợ xấu, sắp xếp hệ thống ngân hàng,… vẫn chưa rõ ràng, chưa có kỳ vọng gì”. Chẳng hạn, giải quyết nợ công, theo ông Kiêm, hiện nay chỉ mới mới dừng lại ở mức chặn những vấn đề có thể phát sinh, doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn.
Theo ông Kiêm, có 3 lý do khiến việc tái cơ cấu vẫn hời hợt, chỉ giải quyết được phần ngọn còn phần gốc vẫn giữ nguyên: Một là, vấn đề về định hướng, giải pháp không có đột phá. Trong suốt 3 năm vừa qua các vấn đề đặt ra về tái cơ cấu vẫn triển khai rất chậm, không rõ mục tiêu. Nhiều vấn đề đưa ra, bàn xong, đã quyết nhưng rồi lại không thực hiện được.
Hai là, vấn đề tuyên truyền mang tính hô hào quyết liệt nhưng không thực sự hiệu quả. Ba là, kỷ cương không rõ ràng, mục tiêu đề ra không rõ ràng. Đã chỉ ra yếu kém, nhận ra sai lầm nhưng không giải quyết được.
Không thể dồn công việc cho năm sau, cho người kế nhiệm
Nhiều luồng ý kiến cho rằng việc tái cơ cấu kinh tế cần phải có thời gian, lộ trình từng bước không thể sốt ruột được. Nói như TS Lưu Bích Hồ, nhiều nước trên thế giới như Pháp, Mỹ cũng phải mất 5-6 năm để thoát khỏi khủng hoảng, Nhật Bản mất 20 năm, Trung Quốc cũng nói mất 6-7 năm.
Nhưng TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, “không thể không sốt ruột với tái cơ cấu. Tôi kêu gọi hãy sốt ruột với thời gian, nếu không nền kinh tế sẽ tiếp tục trì trệ. Nói tái cơ cấu cần có thời gian thì chỉ có thể nói cách đây 4 năm thì được, nhưng đến giờ mà vẫn nói vậy tức là dung túng cho cách tiếp tục dồn việc cho những năm sau, nhiệm kỳ sau”.
Vì thế, ông Cung kêu gọi các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, những người có thẩm quyền... hãy sốt ruột hơn với sự trì trệ của tái cơ cấu. Và ông Cung khẳng định, tái cơ cấu thực chất là một cuộc cải cách lần thứ 2 và phải có yếu tố thị trường, nhà nước buộc phải thay đổi.
“Hội nhập thế giới tạo muôn vàn cơ hội cho kinh tế Việt Nam, nhưng thử hỏi nếu không cải cách thì làm sao hội nhập. Quá trình hội nhập đang đến rất gần rồi. Đừng để đến khi đi hội nhập rồi mới quay lại bảo rằng chúng ta chưa sẵn sàng”, ông Cung cảnh báo./.