Hôm nay (15/8), tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai Đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi và triển khai ứng dụng công nghệ phục vụ tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi cho 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

thuyloi_1_mhot.jpg(Ảnh minh họa: KT)

Báo cáo của Tổng Cục Thủy lợi cho biết Đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi được xây dựng trong bối cảnh nguồn lực nhà nước rất hạn chế, vì vậy nâng cao hiệu quả khai thác các hệ thống công trình thủy lợi hiện có và ứng dụng khoa học công nghệ trong thủy lợi để thực hiện các biện pháp tưới tiêu, tiết kiệm nước, bảo đảm yêu cầu phát triển nền nông nghiệp Việt Nam là rất cần thiết. Mục tiêu của Đề án là tăng cường vai trò của bộ máy quản lý nhà nước, đồng thời huy động các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng quản lý khai thác công trình thủy lợi. Từ đó, xóa bỏ cơ chế bao cấp, chuyển các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi hoạt động phù hợp cơ chế thị trường để phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn trách nhiệm và quyền lợi của tổ chức, cá nhân và tạo động lực thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy phát triển thủy lợi.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh, các biện pháp thủy lợi là khâu cơ bản quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng và sản lượng các loại cây trồng cạn đang có lợi thế cạnh tranh.

Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng trong quá trình phát triển, thủy lợi đã bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt là những vấn đề về khai thác, về thể chế. Ngoài ra, yêu cầu của đối mới phát triển kinh tế, xã hội, những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu nông nghiệp đòi hỏi thủy lợi phải có những chuyển biến mà trong đề án lần này tập trung rất cao cho thủy lợi để phục vụ những lĩnh vực mà có hiệu quả cao như tưới cho cây trồng cạn, tưới tiên tiến cho cây trồng cạn hoặc thủy lợi phục vụ cho thủy sản hoặc ứng dụng những công nghệ tiên tiến cộng với nâng cao nhận thức của nhân dân trong phòng chống thiên tai.

Trước mắt, theo Đề án này, ngành nông nghiệp các địa phương sẽ tổ chức rà soát quy hoạch thủy lợi trên địa bàn phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương và phù hợp với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời tổ chức đánh giá lại mục tiêu, nhiệm vụ của các hệ thống công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn để có giải pháp nâng cao hiệu quả phù hợp; Huy động các nguồn lực kinh phí để tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung của Đề án… ./.