Sáng nay 11/6, tại TPHCM, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và truyền thông và Báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam”. 

Hội thảo tập trung trao đổi về xu hướng không dùng tiền mặt trong các giao dịch, kể cả những giao dịch rất nhỏ phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân; các chính sách của nhà nước để thúc đẩy hoạt động này.

vov_ko_dung_tien_mat_1_gnse.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước vừa hoàn thiện cơ sở pháp lý, vừa triển khai đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng thanh toán; tăng cường công tác an ninh, bảo mật, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS,... được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng. Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng cũng được đẩy mạnh. Hiện có khoảng 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử. Các ngân hàng thương mại liên tục cho ra sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện ích, bảo mật.

Hội thảo cũng nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh truyền thông phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của mọi người dân, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, khuyến khích sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng được chú trọng.

Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham dự hội thảo

Đến cuối tháng 4/2019, cả nước đã có hơn 18.700 ATM, 266.700 POS, việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên với nhiều tính năng, tiện ích được tích hợp. 

Thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng-tài chính.

“Chúng ta hướng tới một xã hội không tiền mặt có gì và được gì. Trước hết là tiện lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, của nền kinh tế, thu nhập của người dân. Qua đó, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt, phòng chống rửa tiền. Không tiền mặt là có sự minh bạch, có giảm chi phí, lợi nhiều đằng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh./.