Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, tiêu dùng không tiền mặt đang khá phổ biến và ngày càng được sử dụng nhiều ở các đô thị hiện đại như TP HCM.
Ở góc độ người tiêu dùng, phương thức mua sắm, thanh toán này giúp tiết kiệm được thời gian, công sức và cả tiền bạc. Còn về phía ngành chức năng liên quan đến tài chính, thuế… thì đây là một xu hướng tốt để hướng đến thương mại điện tử và một nền tài chính minh bạch, tránh thất thu thuế.
An ninh mạng chính là yếu tố đáng lo ngại khi thúc đẩy nền kinh tế phi tiền mặt (Ảnh minh họa: KT) |
Trên thực tế, tiêu dùng không tiền mặt cần được truyền thông nhiều hơn, được hỗ trợ nhiều hơn về bảo mật, bảo vệ người dùng thì mới có thể phát triển như mong muốn.
Chị Nguyễn Phạm Khánh Vân là một người tiêu dùng được biết đến khá nhiều trên mạng xã hội Facebook với những chia sẻ, tư vấn hữu ích về mua sắm, tiêu dùng, trong đó có thanh toán không tiền mặt.
Thuận tiện về thời gian, công sức khi không phải đi lại mà chỉ việc lên internet đặt hàng và chuyển khoản thanh toán, đôi khi còn được chiết khấu từ ngân hàng cung cấp dịch vụ hoặc giảm giá vì người bán không mất tiền thuê mặt bằng…là những lợi ích của mua sắm và trả tiền qua mạng.
Còn khi đi ra đường, đến các trung tâm thương mại hoặc thanh toán một khoản chi phí nào đó bằng thẻ, người tiêu dùng sẽ không phải cầm theo tiền mặt, không lo mất cắp…
Với chị Vân, người tiêu dùng cứ có lợi là làm và mua sắm online - thanh toán không tiền mặt ngày càng thuận tiện. Chị Vân có thể ngồi tại văn phòng để đi chợ mua sắm, mua từ con cá, miếng thịt, mớ rau, đóng tiền học cho con… sau đó lại được tiền từ các ngân hàng cắt giảm phần trăm.
Phổ biến nhất hiện nay là thanh toán qua dịch vụ Intermet banking của các ngân hàng và quẹt thẻ qua các máy POS. Chưa thống kê hết số người đã đăng ký dịch vụ Internet banking của các ngân hàng nhưng TPHCM hiện đã có 39.800 máy POS ở các siêu thị, nhà hàng và cả các cửa hàng nhỏ hoạt động thường xuyên.
Người tiêu dùng thành phố cũng đã có thể trả tiền các dịch vụ điện, nước, truyền hình cáp, internet… qua mạng, không cần tiền mặt và cũng không cần đến các điểm giao dịch.
Gần đây nhất, tháng 9/2017, Samsung Việt Nam cho ra mắt dịch vụ Samsung Pay. Với dịch vụ này, người tiêu dùng không cần dùng đến thẻ mà có thể dùng điện thoại thông minh của mình để thanh toán.
Chính vì đáp ứng được xu hướng tiêu dùng không tiền mặt mà chỉ trong 10 tuần ra mắt, có đến 150.000 người đăng ký sử dụng dịch vụ, 90.000 thẻ đăng ký lên ứng dụng và 130.000 giao dịch đã được thực hiện.
Bà Lê Thị Hải Oanh, Trưởng Dự án Samsung Pay Việt Nam cho biết: Chúng ta có thói quen đưa thẻ của mình cho nhân viên thu ngân để quẹt nên những thông tin in trên thẻ hiện hữu và bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy được nên việc bị lộ, bị đánh cắp các thông tin đó rất dễ dàng. Giờ thanh toán, quẹt điện thoại trên mấy POS an toàn hơn so với sử dụng thẻ thông thường.
Tiêu dùng không tiền mặt, thanh toán không tiền mặt ngày càng mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Song song đó là những lo ngại về bảo mật khi không ít người tiêu dùng gặp trường hợp hệ thống thanh toán bị gián đoạn khiến thông tin thanh toán bị mất hoặc mất tài khoản thanh toán, lộ thông tin cá nhân hay đơn giản nhất là chuyển tiền mua hàng xong thì trang mua sắm trên mạng đó không còn nữa...
Theo Kaspersky, Việt Nam hiện đứng thứ 17 trong số 20 quốc gia có tỷ lệ người dùng internet bị tấn công nhiều nhất từ các nguồn trực tuyến. Công ty này cũng nhận định, trong năm 2018, những người dùng mới tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng trên máy tính và thiết bị di động sẽ là mục tiêu chính của các hacker.
Ông Nguyễn Trọng Huấn, chuyên gia bảo mật của Kaspersky Lab Việt Nam khuyến cáo người tiêu dùng khi thanh toán qua mạng nên chọn các website và sàn thương mại điện tử uy tín. Ở Việt Nam, Bộ Công thương đã yêu cầu các trang thương mại điện tử đăng ký để được Bộ này cấp logo.
Tiêu dùng không tiền mặt, thanh toán không tiền mặt ngày càng trở thành một xu hướng hiện đại được ưa chuộng. Ở tầm vĩ mô, Chính phủ đã có Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 và TP HCM cũng đang thực hiện đề án này với những kết quả khả thi.
Thành phố phát triển thanh toán không dùng tiền mặt để thúc đẩy thương mại điện tử, phấn đấu đến năm 2020 có: 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có đặt thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ; 100% các đơn vị cung ứng dịch vụ điện, nước, viễn thông chấp nhận thanh toán không tiền mặt, tất cả các trường học thu học phí bằng phương thức không tiền mặt; 80.000 máy POS...
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Trưởng phòng Nghiên cứu Tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM cho biết: Chúng tôi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại như internet banking, mobile banking và dịch vụ thẻ. Đồng thời, nâng cao hiệu quả của mạng lưới ATM và phát triển mạnh hệ thống máy POS. Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách tăng doanh số thanh toán, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, có chiều hướng chuyển biến tích cực
Như vậy, thanh toán không dùng tiền mặt, tiêu dùng không tiền mặt ngày càng phổ biến và được người tiêu dùng lựa chọn. Nhưng để xu hướng này phát triển và đảm bảo an toàn cho người dùng thì chính người dùng phải có những kỹ năng cơ bản để bảo mật bước đầu cho mình, đồng thời các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng phải đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống, công nghệ bảo mật./.