Trong bài viết trước, VOV.VN có đề cập đến những khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành nuôi tôm Việt Nam. Trong đó, vấn đề quản lý chất lượng tôm giống, dịch bệnh và quy hoạch vùng nuôi là vấn đề cấp bách và chưa thể giải quyết trong nay mai.
Trong thời điểm hiện tại, ĐBSCL cần có những giải pháp gì phù hợp để đưa con tôm đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025 theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?
Thu hoạch tôm ở ĐBSCL. |
Ngoài ra, cần có những định hướng thị trường, vì hiện nay mỗi thị trường đòi hỏi chứng nhận khác nhau. Do đó cần xác đinh lộ trình và bước đi chặt chẽ để đạt được mục tiêu thời gian tới.
“Con giống là quan trọng quyết định đến năng suất và năng suất quyết định đến giá thành, bây giờ giá thành con giống có đắt lên, nhưng nếu tôm nuôi được cỡ lớn và không gây bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của ngành tôm nói chung. Bên cạnh đó cần quản lý đầu vào thức ăn, nếu cơ sở hạ tầng kém sẽ làm cho chi phí nuôi tôm tăng rất cao”, ông Phẩm nêu rõ.
Ông Phạm Thái Nguyên, nhà sản xuất thức ăn Grobest Việt Nam cho rằng, để nâng cao giá trị con tôm, cần phải truy xuất được nguồn gốc thuốc thú y thủy sản và thức ăn để các đối tác nước ngoài thấy được sản phẩm tôm ĐBSCL an toàn, chất lượng. Từ đó con tôm mới khẳng định được vị thế. Bên cạnh đó, cần có sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp để giảm giá thành sản xuất cho người nuôi, đây là vấn đề bức thiết hiện nay.
“Cần phải trang bị cho bà con nông dân phần mền truy xuất nguồn gốc tất cả các sản phẩm tôm, từ đó giúp cho đối tác nhìn nhận và mua được giá cao hơn. Muốn làm được điều này cần có sự chủ trì của Nhà nước, có mời tất cả các doanh nghiệp thức ăn hoặc thuốc chữa bệnh tôm định giá để thống nhất”, ông Nguyên cho biết.
Hiện tại, tôm sú vẫn là lợi thế của Việt Nam cho nên cần quan tâm, nhân rộng và tạo những vùng nuôi phù hợp để giảm dần dịch bệnh. Trong đó, ưu tiên lợi thế nuôi theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến với điều kiện tự nhiên ở một số tỉnh. Tổ chức liên kết doanh nghiệp chế biến với các thành viên trong chuỗi sản xuất, để phát huy sức cạnh tranh của con tôm và khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Về vấn đề này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, cần làm sao để đảm bảo được nuôi tôm không có bệnh, từ đó có cơ sở để trong thời gian tới có một chính sách rõ ràng hơn về vấn đề giám sát các vùng nuôi không dịch bệnh. Đây là một vấn đề cần làm sớm, làm thật nhanh trên cơ sở giúp cho vấn đề chế biến, xuất khẩu nó ngày càng tốt hơn.
Cải tạo ao nuôi để ứng dụng công nghệ mới trong nuôi tôm. |
Cùng với đó là việc liên kết sản xuất để tạo ra những cánh đồng lớn, tiếp cận vật tư đầu vào, giảm giá thành sản xuất và chất lượng được đảm bảo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đầu vào để kiểm soát tốt giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Ông Trần Đình Luân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản chia sẻ, cần rà soát lại quy hoạch để có thể khẳng định vùng phù hợp cho phát phát triển nuôi tôm, từ đó triển khai tiến bộ kỹ thuật để phát triển một cách tốt nhất.
“Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác quan trắc và cảnh báo môi trường, làm sao có những thông tin về môi trường, dịch bệnh và những giải pháp kèm theo để người dân có những ứng phó và chủ động hơn trong nuôi tôm”, ông Luân cho biết.
Bài toán cấp bách đặt ra cho ngành chuyên môn cũng như các địa phương về phát triển con tôm thời gian tới là tiêu chuẩn chất lượng, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp chế biến với các thành viên trong chuỗi, vai trò của các hiệp hội… Trong đó, vai trò quản lý nhà nước là chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nuôi, giám sát vật tư đầu vào; hỗ trợ xây dựng hệ thống thủy lợi, điện, giao thông…
Đặc biệt mối liên kết "4 nhà" trong nuôi tôm sẽ tạo điều kiện cho người nuôi tiếp cận vốn, mở rộng diện tích nuôi theo hướng an toàn, sinh học; khi đó con tôm mới phát triển một cách bền vững và thực sự vươn mình./.
Phát triển ngành nuôi tôm Việt Nam: Vẫn ngổn ngang thách thức