Sau một thời gian xảy ra hiện tượng tôm hùm chết hàng loạt tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, những ngày này, người nuôi tôm hùm bắt tay khôi phục vùng nuôi. Chính quyền và ngành chức năng địa phương cũng tăng cường giải pháp quản lý vùng nuôi, hỗ trợ kỹ thuật, xem đây là điều kiện tiên quyết để khôi phục vùng nuôi tôm hùm. Tuy nhiên, khó khăn nhất của bà con hiện nay là nguồn vốn để tái đầu tư.

vov_tom_hum_lqaw.jpg
Người nuôi tôm hùm ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu vớt vát những con tôm hùm nuôi còn sót
Sau 2 tháng xảy ra hiện tượng tôm hùm chết hàng loạt, tại vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên, nước đã không còn màu đỏ đục như trước. Một tuần trở lại đây, nhiều người bắt đầu mua tôm hùm giống về thả nuôi. Đối với hầu hết bà con nơi đây, khôi phục vùng nuôi tôm hùm là cách duy nhất để bù đắp thiệt hại do tôm hùm chết gây ra. Tuy nhiên, khác với trước đây, bây giờ các hộ nuôi chỉ đầu tư theo kiểu nhỏ giọt vì không còn vốn.

Bà Nguyễn Thị Thiện, người nuôi tôm ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu than phiền, ở vùng biển này, không nuôi tôm hùm thì người dân cũng chẳng biết làm nghề gì khác.

Cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, tại vùng biển vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên liên tiếp xảy ra hiện tượng tôm hùm chết hàng loạt với số lượng lớn. Hơn 1,6 triệu con tôm bị chết đã làm đảo lộn cuộc sống của 700 hộ nuôi tôm ở đây. Nhiều gia đình thiệt hại hàng tỷ đồng, bỗng chốc trở thành trắng tay, nợ nần chồng chất.

Theo tính toán của bà con, nuôi với quy mô 100 con tôm hùm, dự tính phải có ít nhất trong tay 100 triệu đồng. Bình thường, khoản tiền này trong tầm tay với những người nuôi tôm hùm. Nhưng giờ vốn đã cạn, nhiều người đã phải tính đến chuyện đi vay nóng để đầu tư nuôi tôm trở lại.

Bà Nguyễn Thị Phi, người nuôi tôm ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, cho biết bà phải đi vay "nóng", cứ 10 triệu thì hàng tháng trả lãi tới 2 triệu.

Các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên đã xác định nguyên nhân tôm chết trong thời gian vừa qua do môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, số lượng lồng nuôi cũng như mật độ tôm nuôi trong lồng dày đặc.

Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, cho biết, theo quy định nuôi từ 30- 50 con/lồng, khoảng 60 lồng/ha nhưng người dân vì lợi nhuận trước mắt đã không tuân thủ.

Sau sự việc tôm hùm chết hàng loạt, nhiều hộ nuôi ở xã Xuân Phương và phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu đã di chuyển lồng bè đến các vùng biển khác, hoặc làm những bè tôm hùm kiên cố để có thể di dời, nuôi ở vùng biển xa...

Tuy nhiên, đây không phải là hướng giải quyết lâu dài. Quy hoạch vùng nuôi và thực hiện đúng quy hoạch được địa phương tính đến từ lâu, đến lúc này, càng trở nên bức thiết.

Tôm hùm chết hàng loạt đã vắt kiệt những đồng vốn cuối cùng của nhiều gia đình. Trắng tay vẫn phải khôi phục vùng nuôi. Điều này càng đòi hỏi phải thực hiện thận trọng, đồng bộ. Nếu không, nguy cơ mất trắng vốn đầu tư sẽ lặp lại./.