Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến hết tháng 6/2019, công suất nguồn điện mặt trời đã tăng trên 51 lần (từ mức 86MW lên đến trên 4.400MW). Đến nay, tỷ lệ công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (trừ thủy điện vừa và lớn) đã chiếm tới 15,4% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống. Mặc dù chiếm tỷ trọng cao trong tổng cơ cấu nguồn, nhưng sản lượng chỉ chiếm khoảng 1% do có điểm “nghẽn” sâu sa nằm trong khâu quy hoạch.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Năng lượng tái tạo Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn” tổ chức ngày 27/11 tại Hà Nội. Nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo đang vướng phải nhiều vấn đề, từ việc lập quy hoạch, khâu truyền tải cho đến cơ chế đầu tư...

Thừa điện thiếu truyền tải

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh đã ước tính một phần lớn lượng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo, coi đây như khoảng không gian cho việc xét duyệt các dự án và mang tính định hướng.  

“Trong khi đó, các địa phương có tiềm năng phát triển điện sạch cũng chưa quy hoạch sử dụng đất cho loại hình mới này. Khi địa phương chưa có quy trình về công bố thông tin dự án cho các nhà đầu tư, chủ yếu các nhà đầu tư vẫn tự tìm địa điểm để xin cấp phép đầu tư. Điều này đã dẫn đến việc chồng chéo quy hoạch, khó triển khai dự án”, ông Anh Tuấn chỉ ra.

dien1_fygw.jpg
Quy hoạch điện VII vào năm 2017 đã không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời.

Phát điện sạch đã là thế, nhưng điểm nghẽn lớn nữa hiện nay chính lại là vấn đề truyền tải điện. Lưới truyền tải hạn chế đang là trở ngại lớn cho việc cung ứng điện từ các dự án điện năng lượng tái tạo.

Nghịch lý chính là ở chỗ, nhiều dự án điện sạch hoàn thiện nhanh, công suất lớn nhưng để bán được điện là điều hết sức khó khăn. Nhiều dự án đã phải phát điện cầm chừng, không hết công suất dẫn đến tình trạng cung vượt cầu kéo theo việc khó hoàn vốn, dễ dẫn đến thua lỗ của các nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tại các điểm “nóng” về dự án năng lượng tái tạo là Ninh Thuận và Bình Thuận tập trung quá nhiều dự án điện năng lượng tái tạo khiến lưới truyền tải đang chịu áp lực lớn.

Mặc dù EVN có chia sẻ với các địa phương và đề nghị các chủ đầu tư cùng chung tay với EVN xây dựng hệ thống truyền tải từ nhà máy lên đường dây chính, song ông Nguyễn Tài Anh vẫn đánh giá đây là giải pháp tình thế và nguyên tắc cuối cùng vẫn cần phải làm tốt công tác quy hoạch cho các dự án điện năng lượng tái tạo. “Dự kiến, đến tháng 6/2020, EVN sẽ hoàn thành các dự án đầu tư lưới để giải tỏa công suất điện tại các dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận và Bình Thuận đã đưa vào vận hành trước tháng 6/2019”, Phó Tổng giám đốc EVN thông tin.

Cần áp dụng đấu thầu với quy trình tốt

Ủng hộ việc xã hội hóa lưới truyền tải cho các dự án điện sạch, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Kế hoạch Quy hoạch, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, Bộ Công Thương ủng hộ việc xã hội hóa lưới truyền tải với hai hình thức đầu tư: Đầu tư vào lưới điện để đấu nối từ nhà máy đến điểm đấu nối. Nếu nhà đầu tư đầu tư cả nhà máy và đường dây đấu nối thì giữa nhà đầu tư và ngành điện sẽ thống nhất phạm vi đầu tư cũng như quản lý vận hành.

Hiện nay, để người tiêu dùng được hưởng mức giá điện tốt hơn, các chuyên gia cho rằng, việc đấu thầu dự án điện cũng cần sớm được triển khai đấu thầu thay vì cơ chế giá FIT hỗ trợ phát triển như hiện nay.

Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) bày tỏ, đấu thầu thông qua các kinh nghiệm trên thế giới là hình thức đảm bảo công khai, minh bạch, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia.

Sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực khiến các dự án điện sạch vận hành nhưng không thể giải toả hết công suất.

Ở góc độ chuyên gia, ông Oliver Behrend, Cán bộ đầu tư cao cấp, Bộ Phận cơ sở hạ tầng, Tập đoàn tài chính quốc tế World Bank cho rằng, không nên quá ám ảnh về vấn đề đấu thầu bởi một cơ chế đấu thầu cũng không giải quyết được hết vấn đề.

“Điều quan trọng là cần áp dụng áp dụng đấu thầu với quy trình tốt, để đảm bảo sàng lọc trước những bên tham gia cùng khung hợp đồng phù hợp để huy động được tài chính. Chúng ta cần có khung hợp đồng và cơ chế về huy động tài chính”, ông Oliver Behrend cho hay./.

Tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất lắp đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020)./.