Hiện nay, Việt Nam đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Việc đảm bảo an ninh năng lượng, duy trì liên tục, ổn định với sự đa dạng về nguồn cung cấp là những yếu tố có tính quyết định mang tính lợi ích quốc gia.
Bộ Công Thương cho biết, thực tiễn phát triển năng lượng quốc gia từ năm 2007 đến nay cho thấy, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia ngày càng gặp nhiều thách thức, khi các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, cơ cấu nguồn điện đang bị mất cân đối và áp lực phải nhập khẩu năng lượng ngày càng tăng.
Nguyên nhân chủ yếu là do tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện về cơ bản đã khai thác hết; sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn sau thời gian dài khai thác đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn…
Trong khi đó, một số dự án nguồn điện chưa đưa vào vận hành do chậm tiến độ và chậm khởi công so với quy hoạch, hoặc dừng triển khai; chưa có một chiến lược và chính sách cụ thể rõ ràng để bảo đảm khả năng tiếp cận được các nguồn năng lượng có khả năng cung cấp dài hạn, có độ tin cậy cao, giá thành hợp lý…
Theo ông Nguyễn Văn Vy, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thực tế hệ thống điện năng vẫn tiềm ẩn khả năng cung cấp thiếu hụt, khi gặp những năm ít nước do tỷ trọng thủy điện lớn, cộng với các nguồn điện chậm tiến độ có thể gây ra tình trạng thiếu điện trong giai đoạn tới. “Hệ thống điện còn có một số nguy cơ có thể dẫn đến rã lưới, gây mất điện trong một diện rộng trong thời gian ngắn. Chất lượng điện còn thấp đối với các hộ có yêu cầu chất lượng cao”, ông Vy nhận định.
Cũng theo ông Vy, để có thể đảm bảo cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững, rất cần thiết phải gia tăng các nguồn năng lượng tái tạo vào cơ cấu nguồn điện. Đặc biệt, cần thiết có thể lập các dự án, thực hiện chuyển một số nhà máy từ đốt than sang đốt kèm sinh khối hoặc chuyển từ đốt than sang đốt hoàn toàn bằng sinh khối...
Cũng khẳng định những dự án năng lượng tái tạo chính là lời giải hữu hiệu cho bài toán “an ninh năng lượng bền vững”, ông Nguyễn Huy Vượng, Trưởng Ban Điện và Năng lượng tái tạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, việc phát triển các nguồn điện từ năng lượng gió, mặt trời, sinh khối cần phải được chú trọng trong thời gian tới, bởi rõ ràng ai cũng thấy rõ nhiệt điện và thủy điện sẽ không còn chiếm ưu thế.
Để đáp ứng nhu cầu đầu tư, từ nay đến năm 2030, ngành điện sẽ cần khoảng 150 tỷ USD để phát triển nguồn điện, trung bình mỗi năm cần khoảng 12-13 tỷ USD để đầu tư phát triển các dự án nhà máy phát điện mới. Do vậy, Việt Nam cần ưu tiên nguồn vốn để đảm bảo an ninh năng lượng…
Các năm 2020, sản lượng điện thương phẩm chủ yếu đến từ các nguồn nhiệt điện, thủy điện và một phần từ dự án năng lượng tái tạo, qua đó có thể đáp ứng nhu cầu điện toàn quốc. Tuy nhiên từ năm 2020 trở đi, Việt Nam sẽ thiếu điện, trong đó chủ yếu thiếu hụt điện với khu vực phía Nam.
Do vậy, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu năng lượng ở mức 112 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và 187 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2045, ngành năng lượng cần huy động đa dạng các nguồn vốn trong nền kinh tế, đồng thời phải có cơ chế hỗ trợ thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức nước ngoài.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Trung tâm giải pháp tài chính, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam cho biết, việc ưu tiên nguồn vốn cho phát triển năng lượng là một trong các nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược hoạt động, nhằm hỗ trợ đảm bảo mục tiêu cung ứng đầy đủ, có hiệu quả năng lượng để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
“VietinBank luôn ưu tiên nguồn vốn và chú trọng cung cấp giải pháp tài chính toàn diện cho các khách hàng trong lĩnh vực năng lượng, phục vụ đồng bộ chuỗi giá trị ngành năng lượng từ năng lượng sơ cấp, sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phục vụ ngành năng lượng”, bà Dương nêu rõ.
Tuy nhiên theo bà Dung, trong quá trình tài trợ các dự án năng lượng, VietinBank cũng gặp khá nhiều khó khăn thách thức, điển hình như về vấn đề pháp lý và kỹ thuật. Cụ thể các dự án năng lượng có nhiều rào cản liên quan đến cơ chế chính sách, pháp lý (quy hoạch, giá điện), tài chính (suất đầu tư cao với điện gió, điện gió trên biển), kỹ thuật công nghệ cao đòi hỏi tư vấn của các tổ chức uy tín nước ngoài, nhân lực (thiếu nhân sự có trình độ và kinh nghiệm trong nước.
“Quy mô vốn cho mỗi dự án điện thường rất lớn, nhưng với quy định của Nhà nước đối với vốn chủ sở hữu như hiện nay, các NHTM trong nước rất khó để có thể đáp ứng. Vì vậy, việc gọi vốn tham gia của nhà đầu tư nước ngoài là rất cần thiết”, bà Dung đề xuất.
Bà Dung cũng cho rằng, các ngân hàng địa phương với sự am hiểu luật pháp và thị trường địa phương, sẵn sàng đóng vai trò đầu mối tư vấn, thu xếp vốn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các vướng mắc về Hợp đồng mua bán điện, chính sách giá, cơ chế thế chấp tài sản bảo đảm về đất đai... hiện vẫn là rào cản cần tháo gỡ để tăng khả năng tiếp cận vốn cho các dự án./.