Trong những năm qua, số lượng các doanh nghiệp tư nhân ngày càng tăng mạnh, từ 55.236 doanh nghiệp (năm 2002) lên 495.826 doanh nghiệp (năm 2015) với nhiều loại hình đa dạng. Trong đó, số hộ kinh doanh tăng nhanh từ 2,6 triệu hộ lên 4,6 triệu hộ trong cùng thời kỳ.

Vẫn còn lắm rào cản

Mặc dù tăng nhanh về số lượng, nhưng quy mô doanh nghiệp vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, nguồn lực hạn chế, dẫn đến khó tiếp cận vốn, đất đai. Vòng luẩn quẩn này càng khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân dậm châm tại chỗ, khó đầu tư sản xuất lớn.

kttn2_vybe.jpg
Doanh nghiệp tư nhân rất cần sự hỗ trợ bằng những giải pháp cụ thể, trong đó có việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng. (Ảnh minh họa:KT)
Do vậy, theo nhân định của ông Hoàng Quang Đông, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh Châu (Hưng Yên), các doanh nghiệp tư nhân rất cần sự hỗ trợ bằng những giải pháp cụ thể, trong đó có việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng.

“Doanh nghiệp hiện đang vay vốn với lãi suất 8%/năm nhưng chỉ được vay ngắn hạn. Lãi vay ngân hàng đối với doanh nghiệp tư nhân nên giảm từ 1-2% và nên hỗ trợ doanh nghiệp được vay dài hạn hơn, tiếp cận tín dụng dễ hơn để có kế hoạch đầu tư lâu dài”, ông Đông kiến nghị.

Còn theo ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc R&D Tập đoàn PAN – một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm bày tỏ, Chính phủ cần kiến tạo và định hướng nguồn lực, không nên theo hướng kiểm soát và phân bổ nguồn lực.

Chẳng hạn hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo nghiên cứu gói tín dụng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao 60.000 - 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai như thế nào đến nay vẫn chưa rõ ràng. “Cần phải làm rõ cơ chế phân bổ, điều kiện nhận hỗ trợ gói tín dụng này như thế nào để tránh tình trạng doanh nghiệp lập dự án để xin hỗ trợ mà không hiệu quả. Chính phủ nên dùng chính sách ưu đãi thuế để định hướng nguồn lực, thay vì phân bổ nguồn lực qua gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp”, ông Anh đề xuất.

Không thể phủ nhận những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp bằng việc đưa ra một loạt các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35...

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Bá Nho, Giám đốc Công ty Đông Nam dược Sóc Sơn (Hà Nội), các quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (chẳng hạn như không hình sự hóa các hoạt động kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp…) đã thổi một luồng gió mới, khiến doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh.

Thế nhưng, sự chuyển biến mới nhận thấy rõ nét ở cấp Trung ương, còn ở các cấp chính quyền, cơ sở đâu đó vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, “hành” doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân vẫn khốn khổ vì phải mất phí “bôi trơn” để được việc. “Nếu hàng tháng cứ phải đón tiếp đoàn kiểm tra thì tốn kém chi phí và rất mất thời gian. Trên Trung ương, Chính phủ đã rất cởi mở, tạo điều kiện thông thoáng, nhưng dưới cơ sở thì chưa chuyển biến cũng là điều cần tháo gỡ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh  nghiệp”, ông Nho nêu ý kiến.

Chính sách cần ổn định, nhất quán

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, một thực tế đáng buồn hiện nay là không ít doanh nghiệp tư nhân đang làm ăn kinh doanh theo kiểu cơ hội, chụp giật, thiếu tư duy chiến lược và tầm nhìn. Một phần là do xuất phát từ thể chế, chính sách thay đổi thường xuyên khiến doanh nghiệp khó đưa ra được chính sách dài hạn. "Làm sao đưa ra chiến lược kinh doanh dài hạn khi không biết trước ngày mai như thế nào? Cho nên người ta phải tranh thủ", ông Tuyển chia sẻ.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trong những năm gần đây, tình trạng điều hành chính sách theo kiểu giật cục, thường xuyên thay đổi cũng đã phần nào được khắc phục. Nhiều chính sách được công khai minh bạch, dễ dự báo. Tuy nhiên, việc quy hoạch, phê duyệt dự án ở nhiều địa phương còn nhiều vấn đề bất cập, chồng chéo, không thống nhất. Thậm chí có tình trạng quy hoạch treo hoặc bãi bỏ, khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, lúng túng và e ngại trong đầu tư.

Ông Phong nêu dẫn chứng về quy hoạch sân golf ở một số địa phương, với tư duy nhiệm kỳ, các quy hoạch được “vẽ” ra dễ dàng, nhưng khi sự việc bùng lên và nhà nước rà soát lại đã có không ít dự án phải dẹp bỏ. Trong tình huống ấy, doanh nghiệp cứ mải miết chạy theo là rất nguy hiểm. Do đó, các chính sách quản lý cần nhất quán và tránh gây rủi ro cho doanh nghiệp.

“Cần gắn trách nhiệm cụ thể với người làm chính sách, làm sai, làm thiếu thì phải bị xử lý và doanh nghiệp có thể khởi kiện nếu đưa ra chính sách rủi ro. Tạo môi trường thông thoáng, bình đẳng và ổn định là điều quan trọng để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển”, ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh./.