Tại diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 15/3, PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn chỉ rõ, nền kinh tế đã có thay đổi nhưng cơ cấu đang có vấn đề.

Khu vực kinh tế tư nhân rất “dị thường”

Sau 30 năm Việt Nam thực hiện cải cách chuyển sang kinh tế thị trường, thực lực cơ cấu của nền kinh tế vẫn cải thiện chậm, hiện tại rất yếu. Sản xuất GDP dựa chủ yếu vào thành phần kinh tế nhà nước (đóng góp 28%) và kinh tế hộ gia đình (đóng góp 32%). Tuy nhiên, cả hai thành phần chủ yếu tạo GDP này đều có sức cạnh tranh yếu, khó là trụ cột bảo đảm cho nền kinh tế năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế thành công. Trong khi đó, kinh tế tư nhân trong nước, tuy về nguyên tắc phải là lực lượng đóng góp chủ yếu vào GDP thì sau 30 năm đổi mới, chỉ đóng góp chưa đến 10%.

vov_dien_dan_kinh_te_tu_nhan_tjcz.jpg
Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019

“Kinh tế tư nhân 30 năm đáng lẽ đã phải "nở" ra rất nhanh rồi nhưng thực tế theo thống kê năm 2018, khu vực này mới chỉ sản xuất ra được 7,8% GDP. Nếu chúng ta cộng trừ nhân chia tất cả, kinh tế tư nhân khéo chỉ đóng 10% GDP. Như vậy, với nền kinh tế mở cửa của Việt Nam mà khu vực tư chỉ đóng góp 10% GDP, trong khi khu vực kinh tế nước ngoài (FDI) đóng góp tới 20% GDP, trong khi kinh tế tư nhân chỉ chiếm 1 nửa so với họ, vì vậy, khoảng cách hai khu vực này khá xa nhau", ông Thiên nói.

Theo ông Trần Đình Thiên, thực lực của nền kinh tế cải thiện chậm, hiện tại rất yếu. Số doanh nghiệp “nhỏ và siêu nhỏ” vẫn chiếm 95-96% tổng số doanh nghiệp, số doanh nghiệp “vừa” chỉ chiếm khoảng 1,7% tạo thành chỗ khuyết thiếu cơ cấu quan trọng. Tỷ trọng quá nhỏ bé của nhóm doanh nghiệp vừa chứng tỏ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất khó lớn, chậm lớn và cũng khó có lực lượng tốt để phát triển thành doanh nghiệp lớn.

Trong khi đó, số doanh nghiệp lớn - chiếm khoảng 2% tổng số doanh nghiệp lại chủ yếu lớn nhờ kinh doanh bất động sản và đang phải đối mặt với một môi trường kinh doanh nhiều rủi ro, bởi lớn lên nhờ đầu cơ là chính.

“Tài năng của doanh nhân Việt Nam tập trung vào đầu cơ chứ không phải cho đầu tư và cạnh tranh quốc tế, trong khi nguy cơ phạm luật mang tính hiện thực rất cao”, ông Thiên cảnh báo.

PGS. Trần Đình Thiên cho rằng, hai lực lượng đang đóng góp lớn vào GDP là FDI và doanh nghiệp Nhà nước thì DN FDI phần lớn gia công, nhập khẩu để xuất khẩu, không phụ thuộc vào Việt Nam; còn DN nhà nước chưa đóng tròn vai “nòng cốt” của lực lượng “chủ đạo”, chưa hoàn thành sứ mệnh dẫn dắt và tạo động lực phát triển cho cả nền kinh tế. Do đó, nếu chúng ta không có giải pháp thì kinh tế rất khó xác định đâu là động lực và đâu là chỗ tăng GDP của Việt Nam.

“Tình trạng nền kinh tế hiện nay, nhìn từ góc độ cơ cấu các thành phần là đáng báo động. Đây là kết quả của một chiến lược phát triển nền kinh tế nhiều thành phần “có vấn đề”: phân biệt đối xử, không tôn trọng nguyên tắc thị trường, xác định vai trò, chức năng của các lực lượng kinh tế sai lệch kéo dài, làm méo mó môi trường kinh doanh thông qua các chính sách thiên lệch”, PGS. Trần Đình Thiên chỉ rõ.

Ông Thiên cho rằng, hiện vẫn chưa có một chiến lược phát triển DN Việt đúng nghĩa. Cùng lắm, chúng ta mới quan tâm đến việc thành lập nhiều DN chứ chưa có cách tiếp cận phát triển “lực lượng DN Việt”. Do đó, sau 30 năm qua, các DN vừa của chúng ta rất ít, tư nhân không lớn lên được mà chỉ “be bé”. Đúng như TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam nói “khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam rất dị thường, không lớn được”.

Phải bỏ cơ chế xin – cho

Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, mô hình tăng trưởng giai đoạn vừa qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, tăng trưởng dựa vào chiều rộng đang dần hết dư địa. Khu vực kinh tế tư nhân mặc dù được coi là một khu vực kinh tế quan trọng nhưng đóng góp thực của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế.

"Nguyên nhân chính của tình hình đó là môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều rào cản. Trên thực tế, World Bank đã đánh tụt xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam xuống 1 hạng, xếp thứ 69/190 nước. Khu vực kinh tế trong nước chủ yếu vẫn dựa vào kinh doanh cá thể (khoảng 31-32% GDP), trong khi doanh nghiệp tư nhân đóng góp rất hạn chế chỉ 8% GDP", ông Tuấn cho biết.

Còn theo PGS. Trần Đình Thiên, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam chậm phát triển là do nhận thức về kinh tế tư nhân chậm thay đổi, nặng tính thiên kiến, chủ quan; không định hướng phát triển các thị trường và các lực lượng thị trường đúng nghĩa.

PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Ngoài ra, định hướng chiến lược phát triển các lực lượng thị trường sai lệch nghiêm trọng, phủ nhận nguyên lý cạnh tranh thông qua việc áp dụng các chính sách “phi thị trường”, “xin – cho”, bình quân, hay việc áp dụng quá lâu hệ thống khuyến khích ngược trong khi vẫn muốn phát triển kinh tế thị trường cũng là một trong những rào cản khiến khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự phát triển.

Bên cạnh đó, việc kéo dài ưu đãi “phi thị trường” quá lâu đối với khu vực FDI gây méo mó hệ thống ngày càng nghiêm trọng, nguyên lý xuyên suốt chiến lược thu hút FDI là lấy “ưu đãi” thay “thể chế tốt” cũng làm ảnh hưởng đến mô hình kinh tế.

Để phát triển kinh tế tư nhân, PGS. Trần Đình Thiên đề xuất, Việt Nam cần thực hiện hai chiến lược trọng tâm là: Chiến lược khoa học công nghệ và chiến lược xây dựng cộng đồng doanh nghiệp. "Khoa học và công nghệ phải là chiến lược trục, hiện nay nó vẫn là bên lề, đi lang thang", ông Thiên nói.

Thứ hai là Việt Nam phải phát triển doanh nghiệp theo chuỗi, liên kết, cấu trúc công nghiệp nhiều tầng, chứ không dàn hàng ngang. Phải nối với nhau, cách tạo lập chuỗi như nào phải chính sách.

"Lực lượng doanh nghiệp phải đương đầu với nước ngoài, nếu ta tổ chức tốt thì hợp tác và bắt tay với nước ngoài, chứ đừng chờ họ yếu, chờ họ bố thí bắt tay là không có", ông Thiên cho hay.

Ngoài ra, phải coi việc phát triển các thị trường theo đúng nghĩa, coi phát triển kinh tế tư nhân là một nhiệm vụ ưu tiên chiến lược trong 5-7 năm tới. Mặt khác, cấu trúc sở hữu cũng phải thay đổi, nghiêng về kinh tế tư nhân. Đây phải là lực lượng, động lực phát triển cơ bản của nền kinh tế thị trường và phải được áp dụng nguyên tắc đối xử bình đẳng về tư cách, khác biệt về chức năng cơ cấu./.

Khơi thông dòng chảy kinh tế tư nhân

VOV.VN - Vốn và đất đai đang là một lực cản cần được tháo gỡ để doanh nghiệp tư nhân thực sự có được môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế.