Tiếp sau thành công của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vào ngày hôm qua, sáng nay (5/12) tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018 (VRDF) với chủ đề: “Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới”.

thu_tuong_2_kcfv.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018 
Đây là Diễn đàn kế thừa Diễn đàn phát triển Việt Nam (VDF), Diễn đàn Đối tác phát triển (VDPF), Hội nghị Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG) đã tổ chức thường niên trong suốt 25 năm qua, kể từ năm Hội nghị CG đầu tiên năm 1993 tổ chức tại Paris. Bắt đầu từ năm nay, Diễn đàn này sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thường niên.

Với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu, điểm mới của Diễn đàn này so với các diễn đàn trước đây, đó là thay vì chỉ đối thoại với các đối tác phát triển, Chính phủ sẽ đối thoại với cả các đại diện khu vực tư nhân, giới học giả, nghiên cứu, truyền thông. Qua đối thoại, cơ quan chính sách sẽ ghi nhận các đề xuất hợp lý để chuyển hóa thành các hành động chính sách cải cách của Chính phủ.   

Những nội dung thảo luận là về Khung chính sách kinh tế Việt Nam; tầm nhìn Việt Nam trong thế giới thay đổi nhanh; động lực tăng trưởng mới của Việt Nam là đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghiệp 4.0; phát triển kinh tế tư nhân.   

Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng tài liệu Khung chính sách kinh tế Việt Nam cho Ngân hàng Thế giới.
Theo Khung chính sách kinh tế Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, thì có 3 trụ cột phát triển kinh tế Việt Nam là thịnh vượng kinh tế, bền vững môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; nhà nước hiệu quả và trách nhiệm giải trình. Trên cơ sở đó, các chính sách trong trung và dài hạn sẽ tập trung khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân để đến năm 2020 khu vực này đóng góp 50% GDP và nâng lên 60 – 65%GDP vào năm 2030. Các chính sách cũng sẽ tập trung vào phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại với ưu tiên các công trình quan trọng như cao tốc Bắc-Nam, đường sắt cao tốc, sân bay Long Thành, xây dựng các cảng lớn.... Cùng với đó là các chính sách tập trung xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, trường đại học trên thế giới đã đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Những khuyến nghị tập trung vào việc cải cách doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhà nước; thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân; khai thác tốt nguồn lực tư nhân để phát triển cơ sở hạ tầng; có biện pháp để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng này; kết hợp tốt giữa các trường đại học và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo; thu hút nhân lực Việt Nam chất lượng cao đang học tập tại nước ngoài cống hiến cho đất nước...

Về khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên thúc đẩy kinh tế tư nhân đóng góp hơn nữa cho nền kinh tế, ý kiến chuyên gia cho rằng, ở Việt Nam, khu vực tư nhân mới đóng góp khoảng 44% GDP. Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội lớn nếu không thúc đẩy hơn nữa đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đáng chú ý là khu vực tư nhân đang lớn mạnh hơn ở Việt Nam cùng với vai trò của khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước.

Tuy nhiên các ý kiến cũng nhấn mạnh, cần tháo gỡ các trở ngại cho các doanh nghiệp nhỏ liên quan đến thuế, thủ tục phá sản, tiếp cận vốn... để các doanh nghiệp này lớn mạnh hơn. Các quốc gia thường bỏ qua hai yếu tố với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thứ nhất là chủ yếu chú trọng chính sách về cung như tài chính, lao động, nhưng về cầu thì chưa được quan tâm đúng mức. Thứ hai chính sách thường ở tầm vĩ mô, trong khi khu vực tư nhân cần có những hành động rất cụ thể.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nêu ra các khuyến nghị về 4 lĩnh vực gồm, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng trưởng xanh.

Dù nguồn lực đầu tư từ  ngân sách còn hạn hẹp, nhưng theo ông, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng có ý nghĩa rất quan trọng cho tăng trưởng cho tương lai. Việc đầu tư các dự án trọng điểm như đường cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành, các cảng biển quan trọng là cần thiết nhưng cần cần nằm trong tổng thể kết nối vận tải đa phương thức.

Cùng với đó, theo Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, cần chú trọng khai thác nguồn lực đầu tư tư nhân. 

“Đứng trước khó khăn về ngân sách, việc giải phóng nguồn đầu tư tư nhân có thể có ý nghĩa to lớn trong đáp ứng nhu cầu đầu tư cao của Việt Nam và một khuôn khổ hợp tác công-tư vững chắc có thể giúp giải quyết vấn đề này. Việc cải cách cơ cấu mạnh mẽ các lĩnh vực trong đó có cơ sở hạ tầng quan trọng như sản xuất điện, có thể giúp thiết lập thị trường cạnh tranh cho dịch vụ cơ sở hạ tầng và thu hút nguồn đầu tư tư nhân. Chúng ta không thể không nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư nguồn vốn nhân lực, nhất là trong bối cảnh công nghệ thay đổi đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Ousmane Dione nêu rõ.

Cùng chung quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cho rằng cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân lực Việt Nam từ các nước. Với xu hướng này, những năm tới có thể có tới nửa triệu học sinh, sinh viên Việt Nam theo học ở nước ngoài, là nguồn nhân lực tốt cho Việt Nam, trong đó có thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham dự VRDF
Xét về phía cung, hiện năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã khá tốt trong khu vực, với việc có mặt của nhiều thương hiệu lớn của thế giới đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cầu về công nghệ đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn thấp. Do đó, cần một giải pháp kích cầu để các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Muốn vậy thì văn hóa kinh doanh cũng cần phải được thúc đẩy để thay đổi từ tư duy ngắn hạn sang dài hạn.

Để bước lên một nấc thang mới về đổi mới sáng tạo, ông Huỳnh Thế Du, khuyến nghị: “Về phía cung, việc cải cách toàn diện hệ thống giáo dục là hết sức quan trọng, đặc biệt là cần tập trung vào khía cạnh về nhu cầu, môi trường và văn hóa kinh doanh. Do đó, một điều rất quan trọng là làm sao tạo được môi trường thuận lợi, tức làm sao người thổi sáo hay nhất có được cây sáo tốt nhất. Có nghĩa là Việt Nam phải là nơi nuôi dưỡng tài năng, nơi khuyến khích tài năng, thì khi đó mới có thể bước lên nấc thang lớn hơn về đổi mới sáng tạo”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam tiếp tục tập trung giải quyết 3 điểm nghẽn để chuyển hóa thành 3 đột phá chiến lược thực sự phục vụ cho yêu cầu phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ tăng tốc trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo kênh tương tác trực tiếp giữa người dân và chính quyền, xây dựng một cơ chế mà các chủ thể trong xã hội có thể tham gia một cách hiệu quả, trực tiếp hợp vào quá trình lập chính sách. Tập trung chuyển đổi số, trong đó ưu tiên xây dựng khung pháp lý về số hoá và cổng dịch vụ công quốc gia. Đổi mới cơ chế tuyển dụng, đánh giá cán bộ để lựa chọn được người tài phục vụ trong hệ thống hành chính”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh về đào tạo nguồn nhân lực và cho rằng, Chính phủ xác định nhân lực là “chìa khóa vàng” cho sự thành công trong tương lai và đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để xây dựng được nguồn lực con người chất lượng phục vụ tăng trưởng bền vững. Thủ tướng cho rằng, con người và Công nghệ ví như chiếc chìa khóa và cái ổ khóa, phải tương thích với nhau. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ không còn ý nghĩa nếu chúng ta thiếu vắng con người 4.0.

Cùng với việc thực hiện các đột phá chiến lược, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ bổ sung thêm 2 đột phá mới, coi đó là 2 động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thập niên tới, trong đó có thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0.

“Tôi cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam tăng năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh, và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Trong thời đại công nghệ gắn với ý tưởng sáng tạo và đổi mới sáng tạo ngày nay thì những rào cản công nghệ truyền thống không còn lớn nữa, mọi quốc gia đều có thể vươn lên và bứt phá. Không khí khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ, rộng khắp như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ có nhiều doanh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công như bây giờ. Tôi khẳng định đây không phải là một phong trào, mà đó là một tinh thần và một quyết tâm. Người dân, doanh nhân, dưới sự hỗ trợ và hợp tác của các đối tác phát triển, cùng song hành với Chính phủ để đưa kinh tế Việt Nam đột phá, bắt kịp và cùng tiến với các nước phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh thêm.

Nhấn mạnh phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là một trong các đòn bẩy quan trọng, tạo sức cạnh tranh, tạo sự linh hoạt cho nền kinh tế trong điều kiện môi trường kinh tế quốc tế và khoa học công nghệ nhiều biến động. Các doanh nghiệp ngành có sức trở mình lớn, không bị vướng nhiều ràng buộc về thể chế và quy mô. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và có những hành động cụ thể nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, chủ yếu trong khu vực tư nhân. Sáng tạo và Khởi nghiệp - tập trung vào tầng lớp thanh niên trẻ, có khát vọng, sáng tạo, dám làm, chấp nhận vấpn gã và biết đứng lên – cũng là nguồn tăng trưởng về số lượng và chất lượng các doanh nghiệp thế hệ mới.

Thủ tướng cho biết, từ năm 2019, Chính phủ cũng chuẩn bị một Chiến lược phát triển mới cho thời kỳ 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025 và chuẩn bị các chương trình nghị sự, đặt nền móng hướng tới tầm nhìn 2045 mà Thủ tướng đã nêu ra tại Quốc hội mới đây. Những vấn đề thảo luận, khuyến nghị tại Diễn đàn sẽ rất hữu ích cho việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng nêu trên và đóng góp trực tiếp cho quá trình điều hành, quản lý phát triển kinh tế, xã hội trong những năm sắp tới./.