Trước thềm năm mới 2016, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN một số nội dung cơ bản về kinh tế Việt Nam 2015 và triển vọng 2016.

1. Thưa ông, trong năm 2015 dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, xin ông cho biết những điểm sáng cơ bản của kinh tế xã hội nước ta năm 2015? 

vuong_dinh_hue_2_djau.jpg
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ 

Ông Vương Đình Huệ:Về mặt tăng trưởng, năm nay chúng ta tăng trưởng trên 6,5%, là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm cao hơn mức chỉ tiêu kế hoạch. Thành công và điểm sáng thứ hai là kinh tế vĩ mô cơ bản giữ được ổn định, trong điều kiện kinh tế trong nước phục hồi chưa đủ mạnh, kinh tế Thế giới và Trung Quốc sụt giảm, rồi biến động mạnh về tỷ giá Nhân dân tệ và các đồng tiền trong khu vực, cuối năm thì FED tăng lãi suất, sụt giảm mạnh của Thị trường Chứng khoán Trung Quốc…

Điểm sáng thứ ba, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, đạt được những kết quả tích cực, kể cả những lĩnh vực trọng tâm, như tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công, ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu, rồi lĩnh vực tái cơ cấu nông nghiệp có những kết quả tích cực.

Thứ tư, môi trường kinh doanh và đầu tư được cải thiện, rất quyết liệt trong chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa với ASEAN, đơn giản hóa được các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; rồi tiếp cận điện năng; đầu tư xây dựng, cấp phép, tài nguyên và môi trường, bước vào ASEAN 6 theo khẳng định của Chính phủ, những vấn đề này chúng ta triển khai rất quyết liệt.

Thứ năm, là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP được ký kết, cộng với đó là hàng loạt Hiệp định FTA song phương và đa phương thế hệ mới mà Việt Nam đã ký với các nước, các đối tác và hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN; cùng với đó dự kiến 04/2/2016 sẽ ký cấp Bộ trưởng chính thức TPP, dự kiến tại Niu – di – lân, chưa bao giờ mục tiêu đàm phán khó như thế mà lại thành công như thế.

2. Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020 cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, ông có nhận định gì về triển vọng cũng như những vấn đề đặt ra trong năm tới của nền kinh tế Việt Nam?

Ông Vương Đình Huệ: Theo cá nhân tôi, trong năm 2016, chúng ta phải tập trung nỗ lực để tạo ra làn sóng đầu tư thứ 2. Làn sóng đấu tư thứ nhất là khi chúng ta ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư và đến bây giờ khi chúng ta có Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi theo những nguyên tắc rất hiện đại, nội dung tiến bộ, độ minh bạch cũng rất là cao, các loại hiệp định FTA, ASEAN sẽ tạo thuận lợi trong thương mại và trong đầu tư thì hy vọng sẽ tạo được 1 làn sóng đầu tư thứ 2 ở Việt Nam với tinh thần quốc gia khởi nghiệp. Thứ 2, chúng ta phải tác động theo chiều dọc, tức là tác động đến từng loại doanh nghiệp.

Năm nay, Ban Kinh tế Trung ương chuẩn bị sẵn sàng cho việc này. Một là, tiếp tục đổi mới và cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, kể cả giải quyết vấn đề đại diện chủ sở hữu là doanh nghiệp nhà nước theo hướng mà Bộ Chính trị đã kết luận và dự thảo văn kiện. Tức là hạn chế và đi đến xóa bỏ đại diện sở hữu của các bộ và ủy ban nhân dân các thành phố, thành lập một cơ quan chuyên trách để làm nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước. Còn cơ quan chuyên cách đó mô hình như thế nào, cách như thế nào thì có một vài phương án lựa chọn, sẽ tính nhưng đã đưa vào dự thảo văn kiện.

Kết luận của Bộ Chính trị tổng kết Hội nghị Trung ương 6 khóa X, hạn chế và đi đến xóa bỏ vai trò chủ sở hữu của các bộ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thành lập một cơ quan chuyên trách để làm đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, áp đặt kỉ luật thị trường đối với doanh nghiệp nhà nước. TPP đã tham gia rồi, bây giờ ta phải tổng kết thực hiện, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả của quá trình cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước và nâng cao năng lực quản trị, tái cơ cấu tài chính của doanh nghiệp nhà nước.

3. Như ông vừa cho biết, kinh tế tư nhân là một động lực phát triển và cùng với đó là tinh thần khởi nghiệp. Vậy theo ông thực ra kinh tế tư nhân của Việt Nam đến thời điểm này có thể thành động lực phát triển cho nền kinh tế được không và kinh tế tư nhân có phải là gánh nặng cho nhiệm kỳ mới tới đây hay không?

Ông Vương Đình Huệ: Tôi nghĩ nó đang là động lực nhưng chúng ta đang mong muốn nó thực sự là động lực lớn. Tôi đưa ra ví dụ này để chứng minh đó là một sân khấu lớn chuẩn bị cho tổ chức Phật giáo Quốc tế ở Bái Đính có 3.500 chỗ ngồi, doanh nghiệp đó cả thiết kế, cả thi công có 2 tháng.

Thứ hai là việc đầu tư của Vincom tại Phú Quốc, từ khi đưa cả máy móc, phương tiện, vật tư từ đất liền ra, từ lúc nổ tiếng máy xúc, máy ủi đầu tiên cho đến khi khánh thành chỉ mất 11 tháng. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp của chúng ta giỏi lắm.

Trong chuyến công tác của tôi sang Israel, mình ca ngợi họ và họ cũng nói rất thật, có ông đại sứ của Israel ở mình khi kết thúc nhiệm kỳ khóc như mưa như gió vì ông yêu Việt Nam quá nhưng ông buộc phải về. Nhưng về một thời gian ông không chịu được ông buộc phải quay sang Việt Nam và rất mê người Việt mình, đặc biệt họ đánh giá rất cao doanh nghiệp tư nhân, ngoài ra hiện nay đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chiếm 46% GDP, đấy chính là động lực tăng trưởng của nền kinh tế./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!