Mới đây, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) vừa công bố báo cáo nghiên cứu “Đánh giá kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020”.
Sức chống chịu vẫn còn yếu
Báo cáo đã đánh giá kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo các nội dung như ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, tăng trưởng và cách thức, chất lượng tăng trưởng; chuyển dịch cơ cấu, tái cơ cấu kinh tế…
Việt Nam đạt các mục tiêu về tăng trưởng, xuất khẩu, lạm phát, thặng dư thương mại…, nhưng vẫn cần củng cố kinh tế vĩ mô để phát triển vững chắc hơn. (Ảnh minh họa: KT). |
Theo kết quả nghiên cứu, từ khi có sự chuyển đổi định hướng chính sách năm 2011 theo hướng thúc đẩy cải cách tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để có tăng trưởng cao và bền vững, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực.
Định hướng chính sách chuyển đổi, trong nhiệm kỳ 2011 - 2015, các chính sách vĩ mô đã từ nới lỏng để kích thích, thúc đẩy tăng trưởng đã chuyển sang thắt chặt có điều chỉnh linh hoạt để ổn định kinh tế vĩ mô; Đồng thời, thực hiện hàng loạt các chương trình, đề án cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chúng ta tiếp tục duy trì lạm phát ở mức hợp lý dưới 4% và ổn định trong suốt nhiệm kỳ.
Thu ngân sách nhà nước đã có cải thiện đáng kể; cơ cấu thu ngân sách cũng thay đổi tích cực hơn. Nhưng chi ngân sách vẫn ở mức khá cao, khoảng 29% GDP. Chi thường xuyên có xu hướng tăng, chiếm khoảng hơn 2/3 tổng chi; chi đầu tư giảm so với nhiệm kỳ trước, khoảng 25% tổng chi ngân sách; chưa góp phần gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế.
Tốc độ nợ công, nợ nước ngoài giảm đáng kể; quản lý nợ công và nợ nước ngoài không còn căng thẳng như trước nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.
Thâm hụt ngân sách giảm mạnh so với 5 năm trước và duy trì mức ổn định dưới 4% GDP, đạt mục tiêu đề ra. Tỷ giá được điều hành linh hoạt hơn theo tín hiệu thị trường; dự trữ ngoại hối tăng nhanh và đạt mức tương đối cao, từ 30 tỷ lên 60 tỷ USD vào năm 2018.
TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định: “Ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố, sức chống chịu của nền kinh tế xét về vĩ mô có cải thiện so với trước nhưng mức độ dễ bị tổn thương còn cao và sức chống chịu vẫn còn yếu”.
“Độ mở của nền kinh tế đã gia tăng hết sức nhanh chóng và đã ở mức rất cao; Nền kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhà đầu tư nước ngoài trên nhiều mặt. Điều đó cũng đồng nghĩa nền kinh tế của chúng ta dễ bị tổn thương trước các biến động bất lợi từ bên ngoài. Trong khi dư địa chính sách eo hẹp và sức chống chịu của nền kinh tế còn rất yếu”, TS. Nguyễn Đình Cung phân tích.
Khắc phục tình trạng kinh tế phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI
Lý giải về mức độ nền kinh tế dễ bị tổn thương còn cao và sức chống chịu vẫn còn yếu, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân trực tiếp yếu kém, chưa thành công là cải cách thể chế, nhất là thể chế phân bố nguồn lực và các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế không được tiến hành nhất quán, toàn diện, đủ rộng và đủ mạnh để chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại.
Cần sớm khắc phục tình trạng kinh tế phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI. (Ảnh minh họa) |
Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng với 3 trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu thị trường tài chính trong giai đoạn 2016-2020 đã và đang thực hiện một cách tích cực và thực chất hơn. Nhưng các chương trình tái cơ cấu nhìn chung đang được tiến hành chậm hơn so với yêu cầu.
Trong 3 trọng tâm tái cơ cấu, chỉ có việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đạt được một số kết quả khá rõ nét trong xử lý nợ xấu. Còn cơ cấu lại đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước chưa có tiến triển về chất mà vẫn thực hiện một cách hình thức hơn là triển khai các biện pháp mạnh mẽ thực chất nâng cao được hiệu quả đầu tư công và hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.
Mô hình tăng trưởng của nền kinh tế về cơ bản chưa thay đổi. Tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào gia tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động chi phí thấp và hoạt động kinh tế thâm dụng lao động; Ở mức nhất định vẫn dựa vào xuất khẩu và dựa vào đầu tư nước ngoài ngày càng tăng. Nhân tố cho một cách thức tăng trưởng mới chưa xuất hiện.
Để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng, cần hệ thống đồng bộ, các giải pháp từ tổng thể đối với toàn nền kinh tế đến giải pháp đối với từng ngành, lĩnh vực và vùng, địa phương.
Theo đó, cần khắc phục tình trạng nền kinh tế đang ngày càng phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI. Đồng thời, khắc phục sự chia cắt cát cứ, thiếu kết nối giữa các thành phần kinh tế. Và làm cho cơ cấu kinh tế và nền kinh tế trở nên năng động hơn.
Đặc biệt, cần có giải pháp chung về cải cách thể chế và phát triển kinh tế tư nhân. Xây dựng và phát triển với tốc độ bứt phá khu vực kinh tế tư nhân trong nước năng động, có sức cạnh tranh toàn cầu và trở thành động lực quan trọng, tiến tới là động lực chủ yếu của phát triển kinh tế đất nước.
Trước mắt và trung hạn phải tập trung xử lý hai vấn đề cốt lõi đối với phát triển kinh tế khu vực tư nhân trong nước là: doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sợ, không muốn lớn và nếu muốn lớn thì không lớn lên được./.Kinh tế tư nhân - Đòn bẩy quan trọng của nền kinh tế