Thấy OCOP là ưng

Chị Vũ Thị Hà sửa soạn đi chợ làm mâm cỗ cho gia đình. Ghé một cửa hàng OCOP tại TP Hạ Long, chỉ sau 15 phút, giỏ đồ của chị đã đầy đủ các đặc sản của Quảng Ninh như miến dong Bình Liêu, gà Tiên Yên, chả mực Hạ Long, gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều... Cầm trên tay gói miến dong có xuất xứ từ huyện vùng cao Bình Liêu, chị Hà vui vẻ: "Nhà tôi thường xuyên sử dụng miến dong Bình Liêu bởi vì chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Miến này ăn rất ngon, đun đi đun lại vẫn giữ được độ dai mà không bị nở, bị nhũn. Trước tôi cũng đã từng ăn rất nhiều loại miến khác nhưng từ khi biết đến miến Bình Liêu thì chỉ tin dùng loại này thôi".

Chọn lựa vài chai mật ong rừng, dầu xoa bóp từ trầu tiên Yên Tử, bà Nguyễn Như Mai kể thường xuyên mua sắm các sản phẩm OCOP Quảng Ninh: "Mấy thứ này trước kia tôi vẫn nhờ người mua trên Yên Tử, mua của dân thôi không có nhãn mác gì. Giờ có thương hiệu OCOP, có tem nhãn mác, xuất xứ rõ ràng nên yên tâm sử dụng hơn nhiều".

Cần một món quà biếu khách hàng, anh Bùi Công Minh chọn hộp trà hoa vàng Ba Chẽ có giá hơn 1 triệu đồng bởi đây là dược liệu quý, có tác dụng giảm mỡ máu, điều hòa huyết áp, kháng ung thư. "Loại trà này tôi từng biết qua một hội chợ ở Quảng Tây, Trung Quốc. Rất bất ngờ là ở Quảng Ninh cũng có. Mẫu mã của hàng mình chưa thực sự xuất sắc nhưng là sản phẩm của quê hương mình, mình biết nguồn gốc rõ ràng mà chất lượng tốt nữa nên tôi ủng hộ"-  anh Minh cho biết.

vov_ocop_gop_phan_dua_mien_dong_binh_lieu_tu_mot_san_pham_truyen_thong_co_nguy_co_mai_mot_tro_thanh_san_pham_hang_hoa_duoc_ua_chuong_sjiy.jpg
OCOP góp phần đưa Miến dong Bình Liêu từ một sản phẩm truyền thống có nguy cơ mai một trở thành sản phẩm hàng hóa được ưa chuộng.

Không chỉ riêng chị Hà, bà Mai hay anh Minh, các sản phẩm OCOP giờ đây đã trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Quảng Ninh, bước đầu có tiếng trong cả nước. Mỗi năm 2 lần Xuân - Hè, Hội chợ OCOP đều tấp nập người mua sắm, nhiều đặc sản thậm chí không đủ hàng để bán, doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi lần tổ chức.

"Chất lượng đảm bảo, lại toàn là hàng đặc sản, đóng gói cẩn thận, có thể đem tặng nên mình chọn thôi", chị Lại Thị Thủy, một người nội trợ ở Hà Nội cho biết. Vốn yêu thích các sản phẩm OCOP Quảng Ninh, giờ chị có thể dễ dàng tìm mua tại một siêu thị lớn ở thủ đô, hoặc đặt trên mạng, hàng mang đến tận nhà.

Giờ đây, người tiêu dùng đã xem nhãn OCOP trên sản phẩm như một lời cam kết cho chất lượng hàng nông sản, thực phẩm, thảo dược... của Quảng Ninh.

Không chỉ là tem nhãn

"OCOP - Mỗi xã, phường một sản phẩm", mô hình được tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2013 dựa trên các sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương, nay đã hái "trái ngọt".

Ông Nguyễn Xuân Bách (Công ty CP Thương mại và Dịch vụ miến dong Bình Liêu) giờ đã là chủ cơ sở sản xuất miến với công suất 400 tấn/năm kể: ngày còn là bộ đội biên phòng ở vùng biên cương Bình Liêu, bà con dân tộc hay biếu ông vài cân miến làm từ cây dong riềng. Thấy miến ngon mà bà con chỉ làm nhỏ lẻ rồi mang ra chợ bán, ông trăn trở mong muốn phát triển rộng hơn.

"Nhưng những ngày đầu mở xưởng quy mô nhỏ, làm theo kinh nghiệm, ít người biết đến. Chỉ đến khi tỉnh, huyện triển khai OCOP, tôi tham gia từ đó sản xuất phải tuân thủ theo các tiêu chí rõ ràng. Ngay cả in chi tiết trên bao bì, kích cỡ cũng phải học mới biết, rồi cải tiến quy trình chất lượng mới đủ khả năng ra thị trường", ông Bách nhớ lại.

Chả mực, hàu, ba kích, thịt lợn Móng Cái,... sẽ là những sản phẩm chủ lực cấp quốc gia của Quảng Ninh trong thời gian tới.

Nhiều năm trước, anh Nịnh Văn Trắng cùng bà con ở vùng núi Ba Chẽ lặn lội lên rừng tìm cây trà hoa vàng bản địa, gom lại bán cho thương lái Trung Quốc. "Cứ thế này thì Ba Chẽ mình mất loài cây quý mất thôi, tại sao không tự làm lấy sản phẩm của mình", anh quyết tâm vay mượn, nhân giống trà hoa vàng.

Công ty cổ phần kinh doanh lâm sản Đạp Thanh ra đời với sự hỗ trợ vốn mở xưởng, tư vấn khoa học kỹ thuật, đồng hành trong xúc tiến thương mại của chương trình OCOP. Tự tin, anh Nịnh Văn Trắng mở rộng diện tích ra 3ha với 10.000 gốc. Không chỉ sản xuất trà từ hoa, giờ anh khai thác cả lá trà khô, trà túi lọc, dán tem truy xuất nguồn gốc, giá thành phù hợp với người tiêu dùng phổ thông để tiêu thụ tốt hơn.

Sau 6 năm, OCOP đã đưa các nông sản địa phương từ sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu trở thành sản phẩm hàng hóa, có quy trình sản xuất được kiểm soát khắt khe, có chứng nhận chất lượng. Không còn chỉ bày bán ở chợ, sản phẩm OCOP vào các trung tâm thương mại, Big C, Vinmart, tham gia hội chợ hàng Việt tại nhiều tỉnh, ra các hội chợ quốc tế. Đây là hướng đi đúng góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị giá trị sản xuất. tăng thu nhập cho bà con nông dân. Hiện Quảng Ninh có hơn 300 sản phẩm tham gia OCOP, trong đó có hơn 60 sản phẩm được xếp hạng 3 sao trở lên.

Với OCOP, việc kêu gọi "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" không còn là khẩu hiệu. Đạt được những kết quả đáng mừng này, không thể phủ nhận OCOP có lợi thế ban đầu lớn rất từ việc người dân tin dùng các sản phẩm là đặc sản lâu đời của quê hương. Tuy nhiên, để có chỗ đứng trên thị trường, thương hiệu OCOP chỉ có thể thuyết phục bằng cách nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.

"Để chinh phục được khách hàng, các doanh nghiệp OCOP phải đi đầu trong việc đầu tư nâng cấp về chất lượng cũng như uy tín. Người sản xuất phải trực tiếp gắn trách nhiệm của mình với sản phẩm", ông Vũ Bình Minh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại (Sở Công thương Quảng Ninh) cho biết.

Các hội chợ OCOP tại Quảng Ninh, Hà Nội thu hút đông đảo người tiêu dùng.

Từ "ưu tiên" tới "tin dùng"

Ông Vũ Thành Long, Trưởng Ban xây dựng Nông thôn mới, Phó Ban chỉ đạo chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh cho biết, thực tế thời gian qua đã có sự lơi lỏng quản lý, dẫn đến việc lợi dụng nhãn hiệu OCOP: "Giai đoạn tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển theo chiều sâu, siết chặt hơn trong việc cấp quyền sử dụng nhãn hiệu OCOP, đồng thời xây dựng bộ cơ chế dành riêng, tập trung cho các sản phẩm OCOP chủ lực các cấp. Trong đó, chất lượng sản phẩm là yếu tố chiếm phần lớn số điểm trong bộ tiêu chí. Việc xếp hạng, xếp sao sẽ khắt khe hơn, nhờ đó chất lượng sản phẩm OCOP sẽ không ngừng được nâng cao".

Nhận định rằng, các phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã OCOP có quy mô không lớn nên còn chưa "mặn mà" với việc xúc tiến thương mại, mở rộng kênh phân phối, các cửa hàng OCOP tại nhiều địa phương chưa đạt hiệu quả cao, ông Vũ Bình Minh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Quảng Ninh khẳng định, ngành Công thương sẽ tăng cường xây dựng chương trình, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia triển lãm, quảng bá, tham gia sàn giao dịch điện tử của tỉnh Quảng Ninh để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước.

Hiện nay, OCOP đã không còn là thương hiệu của riêng Quảng Ninh khi hơn 30 tỉnh thành khác trên cả nước đã bắt tay vào triển khai với hàng nghìn sản phẩm thế mạnh khác nhau. Từ việc "ưu tiên", OCOP đã dần trở thành thói quen tiêu dùng hàng ngày của nhiều người dân. Tuy vậy, để sản phẩm trở thành thương hiệu mạnh, đi xa hơn, vươn ra thị trường lớn hơn, mang lại lợi ích cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng, OCOP còn rất nhiều việc phải làm./.

Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (One commune One product - OCOP) được Quảng Ninh triển khai đầu tiên trong cả nước. Hiện OCOP Quảng Ninh có hơn 360 sản phẩm thuộc các nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ của hơn 140 đơn vị, doanh nghiệp. Trên 85% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử thông minh để truy xuất nguồn gốc.

Giai đoạn 2017 - 2020, Quảng Ninh sẽ đưa Chương trình OCOP vào chiều sâu, chuyển từ lượng sang chất, từng bước trở thành thương hiệu mạnh và chuẩn hoá sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Đến năm 2020, Quảng Ninh sẽ hình thành 12 chuỗi sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và 6 chuỗi sản phẩm OCOP chủ lực cấp quốc gia.