Hiện nay, mô hình này được ngành chức năng địa phương phát triển theo hướng sinh thái để nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân thực hiện mô hình này. 

Gia đình ông Trần Ngọc Hồ (xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển), có diện tích đất tôm – rừng 5 ha. Sau thời gian canh tác theo hướng truyền thống, năng suất tôm nuôi của gia đình ngày càng giảm. Nhưng mấy năm gần đây, ông Hồ được chính quyền địa phương và ngành chuyên môn hướng dẫn quy trình phát triển nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng nên lợi nhuận tăng đáng kể, đạt gần 200 triệu đồng/năm.

Theo ông Hồ, thực hiện mô hình tôm - rừng sinh thái, ngoài việc được trợ giá mua con tôm sạch cao hơn, hàng năm bà con nông dân còn được hỗ trợ tiền dịch vụ môi trường rừng (500.000 đồng/ha rừng).

nuoi_tom_vov_1__dngb.jpg
Mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng được công nhận các chuẩn quốc tế, giúp nâng cao giá trị con tôm.
"So với mô hình nuôi tôm truyền thống thì nuôi tôm sinh thái hiệu quả hơn. Bà con được tập huấn, tranh thủ được khoa học kỹ thuật áp dụng vào, nâng cao trình độ nuôi. Các yếu tố môi trường bà con cũng nắm bắt, chủ động quản lý được dịch bệnh hướng tới hiệu quả kinh tế cao" - ông Hồ chia sẻ.

Ông Phạm Quốc Cường, Giám đốc Hợp tác xã Đồng Phát Đạt, (xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển) cho biết, hợp tác xã đã phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái hơn 5 năm nay.  Hiện trung bình mỗi hộ trong hợp tác xã có thu nhập khoảng trên dưới 200 triệu đồng/năm. 

Ông Cường cho biết thêm, phát triển nuôi tôm sinh thái bà con nông dân không chỉ được nâng cao năng lực, trình độ nuôi tôm mà chi phí thực hiện rất thấp do không sử dụng thức ăn công nghiệp. Tôm phát triển tự nhiên dưới tán rừng tạo ra sản phẩm sạch nên đầu ra được đảm bảo và thuận lợi hơn.

Mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng giúp người dân Cà Mau có nhập ổn định.
Đồng thời, với việc thực hiện mô hình này ý thức giữ rừng, bảo vệ rừng của người dân cũng được nâng lên, góp phần bảo vệ môi trường ngày càng được tốt hơn. Các thành viên trong HTX của ông đều duy trì diện tích rừng đảm bảo khoảng 70% và 30% diện tích còn lại để nuôi tôm theo quy định của Chính phủ. Nhờ có thu nhập cao hơn và bền vững nên mặc dù thực hiện quy trình nuôi sinh thái dưới tán rừng phải tuân thủ nghiêm ngặt từ việc xử lý cải tạo, chăm sóc, chọn con giống đến việc ghi chép quá trình phát triển của tôm nuôi, bà con đều thực hiện tốt.

"Nuôi tôm sinh thái bà con không được sử dụng thuốc cá, các chất kháng sinh. Chỉ sử dụng được vôi, nếu muốn dùng chế phẩm sinh học phải được chứng nhận rõ nguồn gốc. Tất cả những thứ khác không được quyền sử dụng để đảm bảo tạo ra con tôm sạch" - ông Cường cho biết.

Cà Mau hiện có diện tích tôm – rừng khoảng 80.000 ha. Tập trung nhiều tại các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi,... Các địa phương này đang có những kế hoạch cụ thể để phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó có khoảng 19.000 ha diện tích tôm - rừng sinh thái được công nhận theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc được công nhận theo các chuẩn quốc tế giúp nâng cao giá trị và thương hiệu con tôm nước ta. Từ đó, người dân cũng được hưởng lợi do giá tôm sẽ cao hơn, lợi nhuận của bà con nhiều hơn.

 

Mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng giúp người dân Cà Mau có nhập ổn định.
Ông Tô Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Dự án nuôi tôm sinh thái của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Năm Căn đánh giá: "Mặt ưu thế trong cạnh tranh với tôm các nước khác trên thế giới là nhờ tán rừng. Châu Âu hay các nước khác rất chú trọng vấn đề môi trường, làm sao giữ rừng. Người tiêu dùng các nước này chấp nhận trả chênh lệch cao hơn so với tôm thường để người dân đảm bảo quyền lợi, phát triển bền vững. Như vậy người dân sẽ giữ rừng, giữ môi trường để tôm sinh thái phát triển". 

Tỉnh Cà Mau hiện có diện tích đất nuôi tôm khoảng 280.000 ha với đa dạng loại hình nuôi. Mô hình tôm - rừng chiếm gần 1 phần 3 diện tích này. Tuy nhiên, hiện nay mô hình tôm - rừng theo hướng sinh thái được công nhận đạt chuẩn quốc tế còn thấp. Với ưu thế chi phí đầu tư thấp, bền vững và đặc biệt tạo ra sản phẩm sạch, phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường, tỉnh Cà Mau cần đẩy mạnh nhân rộng mô hình này trong thời gian tới./.