Cơn bão số 12 cuối năm ngoái khiến cho vùng nuôi tôm của xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên bị thiệt hại nặng. Sau đó, lồng nuôi nhanh chóng được khôi phục, với mật độ dày hơn, khoảng 24.000 lồng. Hiện nay, vùng biển Xuân Thịnh chi chít lồng tôm đến độ không còn một không gian trống.

tom1_vov_ichz.jpg
Nuôi tôm hùm tự phát tiềm ẩn nguy cơ cao.

Những ngày qua, người nuôi tôm lại đối mặt với dịch bệnh trên tôm hùm. Tôm hùm bị thân đục, hư đường ruột, bỏ ăn, toàn thân đỏ ửng và chết nhanh. Nhiều nơi tỷ lệ tôm chết lên đến một nửa sau khoảng 2 tháng phát bệnh.

Ông Phạm Văn Vinh, người nuôi tôm hùm thôn Phú Dương, xã  Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu cho biết: “Tôm cứ tự nhiên đỏ rồi nó chết. Tôi cũng không biết sử dụng thuốc gì”.        

Trước tình hình này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đã cử cán bộ kỹ thuật đến kiểm tra vùng nuôi và lấy mẫu tôm bị bệnh gửi đến Trung tâm Thú y Vùng 6 xét nghiệm. Kết quả kiểm tra đã tìm thấy 1 loại vi khuẩn Vibrio parahaemolitycus lần đầu tiên xuất hiện trên tôm hùm.

Ông Nguyễn Minh Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên cho biết, loại vi khuẩn này xuất hiện trên tôm sú, tôm thẻ chân trắng, gây hoại tử gan tuỵ cấp làm tôm chết sớm.

Hiện chưa có thuộc đặc trị loại vi khuẩn này, mà chỉ có thể hạn chế dịch bệnh bằng cách triển khai các giải pháp phòng ngừa tổng hợp. Đặc biệt là sử dụng chế phẩm sinh học trong thức ăn để ức chế quá trình phát triển của loại vi khuẩn này trên tôm hùm.

Kết quả kiểm tra đã tìm thấy 1 loại vi khuẩn Vibrio parahaemolitycus lần đầu tiên xuất hiện trên tôm hùm.

“Loại vi khuẩn này thường xuất hiện thời điểm giao mùa. Do đó phát hiện một vài con bị bệnh thì phải ngừng sử dụng loại thức ăn đó, chọn thức ăn từ biển khơi ngâm thuốc tím khoảng 15 phút, sau đó trộn với chế phẩm sinh học BIOM vào thức ăn với tỷ lệ 3-5g/1kg thức ăn. Dùng các loại chất kết dính để bọc thức ăn, sau đó cho ăn nhằm hạn chế bệnh do vi khuẩn Vibrio parahaemolitycus gây ra”, ông Phát nói.

Hiện nay, tôm hùm tại các vùng nuôi xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên vẫn tiếp tục chết khiến người dân hết sức lo lắng. Trong thời điểm thời tiết biến đổi thất thường như hiện nay, ngành thú y tỉnh Phú Yên phối hợp chặt chẽ với các địa phương hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng tránh dịch bệnh; khuyến cáo không được di chuyển lồng ở những lồng tôm đã phát bệnh để hạn để chế lây lan, giảm thiểu thiệt hại./.