Dự thảo luật sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều phía, đặc biệt là các DN và người tiêu dùng bởi lần đầu tiên nước ngọt có ga không cồn xuất hiện trong danh mục chịu 10% thuế TTĐB.
Thuế tăng, giá bán sẽ tăng theo
Khi đang mua một hộp nước ngọt ở đại lý, chị Trần Hồng Lê (ở Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi vẫn thường xuyên cho các cháu uống nước ngọt để thay thế nước giải khát. Mặt hàng này với tôi không có gì là đặc biệt cả. Bởi nếu nó là đặc biệt thì với thu nhập của gia đình tôi sẽ không bao giờ tôi dám mua về cho các cháu uống”.
Chị Hồng Lê cũng bày tỏ lo ngại, sau này nếu tăng thuế thì mặt hàng này chắc chắn sẽ tăng giá. Chị dẫn chứng hàng loạt câu chuyện đã từng xảy ra, ví dụ như tăng giá xăng dầu thì từ việc đi lại đến mua một mớ rau muống cũng tăng giá theo. Doanh nghiệp họ biết “móc” ở đâu để bù vào khoản thuế kia, ngoại trừ việc tăng giá bán sản phẩm và khi ấy tất cả lại đổ lên đầu người tiêu dùng gánh chịu.
Theo một chuyên gia tài chính, dự thảo này Bộ Tài chính có lý riêng của mình. Đó là, một nguồn thu mới không nhỏ từ thuế TTĐB sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cái lợi có thể chưa thấy nhưng việc giá tăng quá cao thì người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với sản phẩm, mặt hàng đó là điều dễ thấy. Theo tính toán của các chuyên gia, ngành sản xuất nước ngọt, giải khát sẽ chứng kiến sự sụt giảm đầu tiên. Ngoài ra, việc tăng giá cũng làm ảnh hưởng đến các ngành khác như: nhà hàng, ăn uống, ngành phụ trợ và ảnh hưởng đến nguồn thu liên quan.
Đã có những bài học về sự thất bại
Nhiều quốc gia đang cân nhắc việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có ga. Nhưng sau khi nghiên cứu, không ít nước đã từ bỏ loại thuế này. Bỉ và Indonesia mới đây đã quyết định không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát không cồn, sau nhiều tháng nghiên cứu mức độ ảnh hưởng về kinh tế, xã hội và y tế của chính sách trên.
Đan Mạch hiện nay đã nằm trong lộ trình xóa bỏ chính sách thuế tương tự này. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt trên nước giải khát tại quốc gia này đã giảm xuống còn một nửa từ tháng 7/2013, và được miễn hoàn toàn kể từ đầu năm 2014.
Còn Việt Nam, đang trong quá trình lấy ý kiến, câu hỏi đặt ra là thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn liệu có thực sự điều chỉnh mặt hàng này theo chiều hướng tích cực như với các đối tượng truyền thống khác như bia, rượu, ô tô, tàu bay, du thuyền và các dịch vụ xa xỉ như: kinh doanh vũ trường, mát xa, karaoke, casino, trò chơi điện tử có thưởng, đặt cược, xổ số... hay không.
Trong khi xa xỉ phẩm phục vụ nhu cầu của một nhóm nhỏ, thường có thu nhập cao và khi thu thuế TTĐB đối với các loại hàng hóa dịch vụ này sẽ mang lại nguồn thu ngân sách đáng kể. Trong khi đó, nước ngọt có ga không cồn là một mặt hàng phổ thông, được người dân sử dụng rộng rãi, đặc biệt là người có thu nhập thấp nên bất kỳ sự thay đổi nào về giá có thể gây ảnh hưởng đến cầu./.