Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2019 do Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công thương tổ chức ngày 13/11 tại TP.HCM.

hnghi1_arls.jpg
Hội nghị Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2019.

Hiện nay, các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã mở ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu thực phẩm cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, môi trường hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm, chủ động ứng phó vượt qua các rào cản thương mại để đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ của thị trường quốc tế.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng nhận định, xu hướng là sẽ gia tăng các rào cản phi thuế quan trên thị trường quốc tế; áp dụng quy tắc xuất xứ nông sản thực phẩm để tận dụng các FTA thế hệ mới...

Thị trường đang mở rộng nhưng sẽ đóng cửa đối với doanh nghiệp không chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và hàng hóa không có chứng nhận xuất xứ rõ ràng. Trong đó, các nước nhập khẩu ngày càng quan tâm đến các chuỗi sản xuất đảm bảo sự phát triển bền vững của môi trường.  

Từ năm 2017 đến nay, các nước nhập khẩu đã có thêm 350 biện pháp hàng rào kỹ thuật ngặt nghèo hơn đối với nhóm hàng thực phẩm và nông sản khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn. Vì vậy, Chính phủ nên có những giải pháp như: Tiếp tục nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý về những hàng rào kỹ thuật, doanh nghiệp tập thói quen nghe ngóng thị trường, tìm hiểu, cập nhật thông tin… Cơ quan chức năng cũng nâng dần các tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng hóa tiêu thụ trong nước tương ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng:“Khi đã nâng cao được nhận thức của doanh nghiệp về những hàng rào kỹ thuật này rồi thì Chính phủ cần hỗ trợ về kỹ thuật cho doanh nghiệp. Chính phủ, bộ ngành chức năng phối hợp với các chuyên gia đưa ra những tư vấn về chuỗi giá trị, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về VietGap, GlobalGAP… để hỗ trợ cho doanh nghiệp thích ứng với từng quy định, tiêu chuẩn cụ thể của từng ngành hàng”./.