Với nhiều nông dân, từ ý tưởng để ra sản phẩm hoàn chỉnh là điều khó, không phải ai làm cũng được. Nhưng, rất nhiều người có thể tham gia một phần vào trong chuỗi giá trị đó, qua khâu thu hoạch và sơ chế ngay trong dịch bệnh. Từ thực tế những ngày khó khăn do dịch bệnh này, nhiều nông dân đã thấm thía điều tưởng như đơn giản, đó là tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị thì người dân sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
Từ trước đến giờ, đây là năm đầu tiên mà ông Trần Văn Trường, xã An Hòa, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp phải tự hái trái và tìm kiếm nhân công địa phương để thu hoạch. Vài năm trở về trước, ông Trần Văn Trường đã hợp tác với thương lái ở tỉnh Vĩnh Long theo cách, nông dân trồng bắp, thương lái đưa hạt giống và lo hết về nhân công, đầu ra cho nông sản.
Lúc chưa dịch bệnh, đến vụ thương lái mang theo đội nhân công chuyên nghiệp đến thu hoạch, vừa bẻ trái, vừa phân loại còn ông Trường chỉ nhìn cân và đếm tiền mang về. Hiện nay, thực hiện giãn cách xã hội, đội thu hoạch chuyên nghiệp của thương lái không hoạt động, vì vậy ông Trường phải tự kiếm nhân công thu hoạch.
“Năm nay dịch nên việc thuê người từ địa phương khác rất khó khăn nên gia đình phải mướn nhân công tại địa phương. Hiện gia đình đang thu hoạch loại bắp trồng được 5 tháng, có trọng lượng 400 gram trở lên, những loại bắp nhỏ hơn sẽ để lại để bẻ sau. Bắp bẻ xong được cân luôn cho thương lái với mức giá chỉ bằng 1/2 năm trước”, ông Trường cho biết.
Không chỉ trường hợp của nông dân Trần Văn Trường, câu chuyện thương lái không thể vào địa phương thu mua nông sản, khiến nhiều nông dân phải thay đổi tư duy để bước chân vào con đường khởi nghiệp sơ chế nông sản. Tại xã Nhị Mỹ, Huyện Cao Lãnh, đã có những hộ nuôi ếch bắt đầu tự làm ếch để bán vì mỏi mắt chờ thương lái cũng không thấy.
Theo chị Lê Thị Thừa, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, trước khi có dịch Covid-19, giá ếch 35.000 đồng/kg, thương lái vào tận ao tự bắt tự cân. Đến khi giãn cách xã hội, giá ếch chỉ còn 25.000 đồng/kg mà thương lái cũng không thể vào mua. Vậy là từ chỗ bán sỉ cho thương lái, nay nhiều hộ nuôi phải chuyển sang bán lẻ từng đơn hàng từ 5kg, 10 kg thậm chí là 1-2 kg. Có những đơn hàng ếch sống và cũng có những đơn hàng ếch làm sẵn nên những người nuôi ếch liền kề phải hợp tác lại, hỗ trợ nhau để có hàng kịp thời giao cho khách.
Chị Lê Thị Thừa cho rằng, mỗi ký ếch sống được bán lẻ với giá từ 30.000 – 35.000 đồng/kg, còn ếch làm sẵn được bán với giá khoảng 85.000 đồng/kg. Khoảng 1,8 kg ếch sống chế biến xong còn 1 kg ếch thịt cộng với tiền công khoảng 10.000 đồng. Tính ra, nếu đủ khả năng chế biến được ếch thịt, người nuôi ếch có thể lời hơn so với ếch sống.
“Lúc này đâu có dám thuê người nơi khác đến nên anh em trong nhà xúm lại tự làm. Chế biến ếch thịt có lợi hơn nhưng lại tốn nhân công, nếu bán ếch sống chỉ cẩn 1 người xuất bán là đủ”, chị Thừa cho biết.
Hai câu chuyện vừa rồi cho thấy, trước những khó khăn bủa vây như hiện nay người dân đã có những cách làm mới để tiếp cận thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm. Tại hợp tác xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành, những thành viên trong tổ lao động chỉ thực hiện các dịch vụ liên quan đến sản xuất, như tỉa cành tạo tán, làm bông, rải phân phun thuốc. Còn đến lúc thu hoạch và sau đó nữa thì chỉ còn là chuyện của nhà vườn và thương lái với nhau.
Nhưng hiện nay đã khác, giãn cách xã hội, thương lái không thể đến thu mua nhãn theo kế hoạch, vì vậy đội lao động của hợp tác xã An Phú Thuận đảm nhiệm luôn khâu thu hoạch, kiêm luôn nhiệm vụ sơ chế, đóng thùng cho nhà vườn theo yêu cầu của phía đơn vị thu mua.
“Năm nay là năm đầu tiên phải đóng thùng hàng nên nhiều sản phẩm bị hư hại, các anh em vừa làm vừa phải tập huấn rút kinh nghiệm cố gắng đạt mẫu mã giao cho khách hàng”, ông Trần Văn Chính, Tổ trưởng tổ Thu hoạch, HTX Nông nghiệp hữu cơ An Phú Thuận cho biết.
Hiện tổ thu hoạch của HTX Nông nghiệp hữu cơ An Phú Thuận với 26 thành viên đều là người địa phương, xuất thân từ những nhà vườn trồng nhãn và đang tích cực hỗ trợ nhà vườn thu hoạch, đóng gói, vận chuyển trên nguyên tắc tự nguyện, miễn phí.
Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ An Phú Thuận cho rằng, đây là tình thế đặc thù bởi các nhà vườn đều là người địa phương và ai cũng khó khăn do Covid-19. Nhưng về lâu dài, sự hỗ trợ nghĩa tình này sẽ được thay thế bằng quan hệ kinh tế, tức là có thu phí đủ để tái tạo sức lao động.
“Hợp tác xã đang làm quen với cơ chế thị trường, tập hợp nông dân trong lúc khó khăn cùng giúp nhau cải thiện đời sống hàng ngày bằng việc hỗ trợ các nhà vườn tiêu thụ nông sản. Hợp tác xã cũng phải tính ra chi phí bắt buộc để sau này trên phương án kinh tế lấy tổng thu trừ tổng chi mới biết hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Ba cho biết thêm.
Để tiêu thụ nông sản, các ngành chức năng của Đồng Tháp đã kết nối với các siêu thị, doanh nghiệp và các địa phương để tìm phương án tiêu thụ nông sản đến thời vụ cho người dân. Bà Phan Thị Kim Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cho rằng, các hoạt động được thực hiện trong mùa dịch là do người dân thực hiện giãn cách, khó khăn trong đi lại nên nhân lực tại các địa phương tổ chức hỗ trợ lẫn nhau.
“Việc hỗ trợ giúp nông dân hiện nay chỉ là phương án tạm thời, về lâu dài, chính người dân cũng phải biết tổ chức lại sản xuất. Hội Nông dân tỉnh sẽ định hướng lại cách thức để người dân biết được cách sơ chế, đóng gói sản phẩm theo đúng quy cách, tránh bị động như hiện nay”, bà Nhung cho hay.
Dịch bệnh rồi sẽ qua. Khó khăn hiện nay là có thật, nhưng cơ hội cũng cũng không ít. Những nỗ lực trong khoảng thời gian này của người dân sẽ quyết định cho đời sống kinh tế nông thôn sau dịch. Với nhiều nông dân biết tận dụng cơ hội vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay sẽ chủ động hơn trong sản xuất, tiêu thụ và đây sẽ là đòn bẩy để khởi nghiệp lúc khó khăn./.