Nhiều năm nay, cây thanh long trồng tại Bình Thuận mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì thế, hiện nay, nông dân nhiều nơi trong tỉnh đang chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long.

Đáng nói là, việc làm này đang phá vỡ quy hoạch cây trồng của tỉnh và không phù hợp với chủ trương giữ 3,8 triệu ha đất lúa của cả nước để đảm bảo an ninh lương thực theo chủ trương của Chính phủ.

Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp và nông dân Bình Thuận mong muốn Chính phủ có một cơ chế đặc thù cho vùng trồng thanh long chuyên canh của tỉnh, vì lợi ích chính đáng của người dân.

thanh_long_1_uswl.jpgSo với thanh long, lúa kém hiệu quả hơn chục lần
Ông Nguyễn Thanh Tú ở xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc là một trong số những nông dân đã bỏ lúa để trồng thanh long. Ban đầu, ông chuyển 0,6 ha đất lúa sang trồng 600 trụ thanh long, giờ đã cho thu hoạch. 0,2 ha đất lúa còn lại cũng vừa được ông cho trồng 200 trụ thanh long nữa. Hiện nay, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Tú dư ra 300 triệu đồng- một khoản tiền không thể nào có được nếu cứ trồng lúa.

Cũng như ông Tú, rất nhiều nông dân các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình chuyển từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long. 1 ha lúa đạt năng suất cao cũng chỉ cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/vụ, trong khi 1 ha thanh long mỗi năm cho lợi nhuận từ 200 triệu đến 300 triệu đồng.

Từ đó, hàng loạt nhà tranh vách lá đã được thay thế bằng những ngôi nhà kiên cố khang trang, những ngôi biệt thự tiền tỷ. Tất cả đều dựa vào cây thanh long. Vừa xây ngôi nhà 700 triệu đồng, bà Ngô Thị Sương ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam chia sẻ: “Hồi đó làm lúa mỗi năm chúng tôi thu hoạch ít. Bây giờ trồng thanh long, chúng tôi có lãi, thu hoạch hàng trăm triệu”. 

Nhiều căn nhà khang trang mọc lên thay thế nhà tranh vách lá
Với hiệu quả kinh tế như vậy, 10 năm trở lại đây, nông dân Bình Thuận đã tự chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng thanh long. Toàn tỉnh hiện đã có đến 24.000 ha thanh long, vượt hơn 8.800 ha so với quy hoạch đến năm 2015. Trong đó, có đến 6.200 ha thanh long được trồng trên đất chuyển đổi từ đất lúa.

Từ ngày 11/5/2012, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 42 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, chính quyền các cấp trong tỉnh cũng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng nông dân vẫn tự phát chuyển đổi trái phép. Mong muốn lớn nhất của bà con là Chính phủ cho phép họ được chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long một cách hợp lệ. Trước mắt, bà con tiếp tục trồng thanh long trên điện tích 6.200 ha đã chuyển đổi trước khi có Nghị định 42.

Ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận kiến nghị: “Vì lợi ích của nông dân, chúng tôi mong rằng các cấp lãnh đạo xem xét lại, có thể cho phép tỉnh Bình Thuận sớm có chủ trương để bà con có giá trị pháp lý trên mảnh vườn thanh long của họ. Đó là những địa bàn như: Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Phan Thiết, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Tân…”.

Thanh long trồng trên đất lúa tại tỉnh Bình Thuận
Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị với Trung ương cho phép nông dân địa phương chuyển những diện tích đất lúa kém hiệu quả, đang nằm xen kẽ trong khu dân cư, trong vùng chuyên canh cây thanh long... sang trồng thanh long. Bởi việc chuyển đổi ấy không ảnh hưởng đến chỉ tiêu đảm bảo lương thực mà Chính phủ giao cho tỉnh Bình Thuận.

Ông Phạm Hữu Thủ, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận nói: “Lúa 1 vụ kém hiệu quả, lúa xen kẽ trong cư dân cư, kiến nghị Bộ Nông nghiệp nên cho bà con sản xuất thanh long. Vì hiện nay trong quá trình sản xuất lúa, tỉnh Bình Thuận đã sản xuất được 600.000 tấn/năm. Đạt và vượt so với chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho tỉnh Bình Thuận tới năm 2020 là đảm bảo 550.000 tấn”.

Thực tế, thanh long là cây trồng dài ngày, nhưng có đặc điểm khác với các loại thân gỗ như: mít, xoài, sầu riêng… không đe dọa thoái hóa đất và nếu sau này không còn giá trị thì nông dân vẫn có thể dễ dàng trồng lúa trở lại. Vì vậy, tỉnh Bình Thuận mạnh dạn kiến nghị Trung ương cần xem xét cho vùng chuyên canh cây thanh long của tỉnh có cơ chế đặc thù trong việc thực hiện Nghị định 42 của Chính phủ, góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng đất nắng và gió, nghèo khó một thời./.