Sáng nay (1/10), tại Bình Thuận, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo bàn về giải pháp cấp bách phòng trừ loại bệnh đốm nâu trên cây thanh long.

Hiện nay, trên 50% diện tích thanh long của 3 vùng trọng điểm là: Bình Thuận, Long An và Tiền Giang bị bệnh đốm nâu với khoảng 18.000 ha. Trong đó có khoảng 25% diện tích nhiễm bệnh rất nặng.

benh_dom_nau_skhi.jpg
Hội thảo giải pháp cấp bách phòng trừ bệnh đốm nâu
Theo các nhà khoa học, bệnh đốm nâu (còn gọi là bệnh đốm trắng) do 1 loại nấm hại gây ra, hiện chưa có thuốc đặc trị. Mặc dù, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành quy trình hướng dẫn tạm thời phòng trừ bệnh này, nhưng do các kết quả nghiên cứu về biện pháp phòng trừ còn hạn chế, nên việc việc áp dụng quy trình ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Bệnh tiếp tục lây lan với mức độ gây hại cao hơn.

Nhiều đại biểu có chung quan điểm rằng, trong khi chờ kết quả nghiên cứu đầy đủ hơn về tác nhân gây bệnh và các biện pháp phòng trừ tổng hợp hiệu quả, việc tiêu hủy nguồn bệnh tích lũy tại vườn là giải pháp cần thiết.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nói: “Hiện nay, chúng ta vẫn áp dụng các biện pháp ngăn ngừa bệnh có hiệu quả nhất là cắt tỉa những cành, những bộ phận cây bị bệnh và tiêu hủy để nguồn bệnh đó không lây lan sang các cành khỏe, cây khỏe”./.