Tỉnh Phú Yên là địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển nuôi tôm hùm lồng. Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng lồng nuôi tăng nhanh nhưng sản lượng lại sụt giảm. Vùng nuôi liên tục bị dịch bệnh, đầu ra phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch khiến nghề nuôi tôm hùm nơi đây gặp nhiều khó khăn.
Ở nước ta, tôm hùm được phân bố từ Quảng Bình đến Bình Thuận nhưng tập trung chủ yếu tại các tỉnh Nam Trung bộ như: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Phú Yên là địa phương nuôi tôm hùm lồng với số lượng hơn 32.000 lồng, đạt sản lượng 650 tấn, nhiều nhất trong cả nước.
Nghề nuôi tôm hùm tại tỉnh Phú Yên cũng như các tỉnh Nam Trung bộ đang gặp nhiều khó khăn chung như: mật độ nuôi quá dày do buông lỏng quản lý, con giống lệ thuộc tự nhiên hoặc nhập khẩu nước ngoài, thức ăn là thức ăn tươi được cho ăn trực tiếp. Đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm mỗi trường, dịch bệnh xảy ra thường xuyên tại các vùng nuôi, khiến tôm nuôi bị chết hàng loạt.
Giữa năm 2017, tôm hùm tại vịnh Xuân Đài, phía bắc tỉnh Phú Yên bị chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường nuôi, tổng số lồng nuôi bị thiệt hại lên gần 16.000 lồng, gần 2,3 triệu con tôm chết.
Năm nay, tỉnh Phú Yên nuôi khoảng 27.000 lồng, bè tôm hùm. Tình trạng người dân tự phát nuôi tôm hùm còn xảy ra phổ biến. Các địa phương cũng chưa thực hiện quy hoạch chi tiết các vùng nuôi; chưa có cơ sở để tiến hành giao, cho thuê mặt nước biển nuôi trồng thủy sản gắn với việc quản lý chặt chẽ mật độ lồng, bè và môi trường vùng nuôi. Ngoài ra, các địa phương cũng chưa quản lý được con giống, kể cả con giống nhập khẩu, luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đề nghị sớm có quy hoạch chi tiết vùng nuôi, tiến tới giao mặt nước cho người dân: “Quy hoạch tổng thể cho tất cả các vùng nuôi trồng thủy sản trong toàn tỉnh chúng tôi đã làm xong.
Chúng tôi đang tiến hành từng bước, quy hoạch chi tiết từng vùng nuôi, phân định vùng nuôi, phân định từng vụ nuôi, tiến tới định vị cho từng diện tích mặt nước dành cho các hộ nuôi, tạo điều kiện cho người dân ổn định sản xuất tốt hơn”.
Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉnh Phú Yên cũng như các tỉnh Nam Trung bộ là những nơi có nhiều thuận lợi trong nuôi tôm hùm.
Các địa phương này cần triển khai các giải pháp cấp bách và lâu dài về phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững. Trước mắt là quy hoạch, quản lý, sắp xếp số lồng nuôi một cách khoa học, phù hợp; môi trường nuôi cần được kiểm soát chặt chẽ. Về lâu dài, tỉnh Phú Yên cũng như các địa phương có nghề nuôi tôm hùm cần nghiên cứu thêm giải pháp nuôi tôm ngoài biển.
Mặt khác, cũng cần tính đến thị trường tiêu thụ theo hướng liên kết theo chuỗi để nâng cao giá trị của tôm; Thành lập các Hợp tác xã, tổ chức liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp theo chuỗi.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Chúng ta phải mở rộng vùng nuôi, tiến đến trình Chính phủ Chiến lược nuôi biển, trong đó có nuôi tôm hùm nuôi ở biển hở.
Muốn vậy, bây giờ chúng ta phải nghiên cứu và thiết kế lồng nuôi thích ứng với vùng biển hở, chúng ta phải có công nghệ. Giải pháp lâu dài, chúng ta phải tính đến chuyện không chỉ nuôi con tôm hùm dưới biển mà phải đưa con tôm hùm thí điểm nuôi trên bể, trên bờ”./.
Diện tích nuôi tôm hùm ở miền Trung tăng nhanh, nhưng sản lượng giảm