“Cho vay không cần thế chấp”, “hỗ trợ cho vay”, “chỉ cần gọi điện là có tiền, thủ tục nhanh gọn”… Đó là nội dung in trên những tờ rơi được dán đầy trên các cột điện, tường rào, các ngã 4, chợ, thậm chí tờ rơi được phát một cách công khai. Những tưởng người ta đang “làm việc thiện”. Nhưng không, đó là những quảng cáo cho hành vi phạm pháp: “tín dụng đen”. Và những tờ quảng cáo như thế có thể thấy ở khắp nơi, từ thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh cho tới những vùng nông thôn ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bình Thuận, Ninh Thuận…
Những tờ rơi quảng cáo cho vay tiền được phát một cách tràn lan, công khai (Ảnh minh hoạ: KT) |
Sau khi phóng viên VOV thử gọi vào số điện thoại trên tờ rơi để nhờ vay tiền. Theo lời quảng cáo, vay 10 triệu, sẽ phải trả lãi 300.000 đồng/ngày, nghĩa là lãi suất 3%/ngày, trong 40 ngày thành 12 triệu đồng. Khoản vay có thể giải ngân ngay trong 5 phút và giao tiền tận nơi. Nhưng một khi đã vay, người vay nhanh chóng nhận ra mình đã nhận quả đắng không chỉ lãi suất cắt cổ mà còn bị đe dọa, khủng bố khi đến hẹn mà chưa thanh toán kịp.
Ông Thanh (ở quận 8, TP. Hồ Chí Minh) do cần tiền gấp nên vay tiền qua số điện thoại trên tờ rơi. Ông vay 50 triệu, tiền lời mỗi tháng là 15 triệu. Trả lãi được 5 tháng vẫn chưa hết nợ gốc, ông Thanh được các đối tượng cho vay “giới thiệu” vay tiền ở một nhóm đối tượng khác, số tiền 30 triệu đồng. Thế rồi, điều gì đến cũng phải đến, ông Thanh không thể trả được cả gốc và lãi, bị các đối tượng hăm dọa đã phải bỏ trốn khỏi địa phương.
Nhưng những kẻ cho vay nặng lãi đâu dễ buông tha nạn nhân. Khi biết con nợ bỏ trốn, chúng bắt đầu hàng loạt hành vi khủng bố. Căn nhà của ông Thanh thường xuyên bị tạt mắm tôm pha sơn, bất kể ngày đêm, con gái đang học ở trường cũng bị hăm dọa, những tờ rơi bêu xấu rải khắp từ khu xóm đến trường học:
“Tối đêm người ta chọi đá chọi gạch, chọi mảnh chai, tạt sơn liên tục. Chưa kể họ còn rải truyền đơn, từ nhà tới lối xóm. Kể cả trường con tôi học, nó cũng tới rải, làm con tôi buồn, tủi”, ông Thanh cho biết.
Và cũng không lâu sau, chúng tìm được nạn nhân, đe dọa, đánh đập, bắt nạn nhân phải viết 4 tờ giấy nhận số tiền gốc lẫn lãi 400 triệu đồng mới cho về. Đến lúc này, ông Thanh mới đến cơ quan công an tố giác vụ việc.
Thủ tục vay tiền rất đơn giản. Người vay chỉ cần gọi tới số điện thoại trên tờ rơi, nói số tiền muốn vay, sau đó các đối tượng cho vay sẽ yêu cầu người vay thế chấp các loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn…, thậm chí chỉ cần cung cấp thông tin chủ số điện thoại là đã có thể vay tiền. Đây là thứ mồi nhử ngon lành nhất khiến con mồi dễ dàng “sập bẫy”.
Ông Võ Văn Lập (ấp 4, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) liên hệ số điện thoại trên tờ rơi quảng cáo để vay 20 triệu đồng, hẹn trả trong 25 ngày. Sau khi trao đổi ngắn gọn qua điện thoại, vài tiếng sau, ông Lập nhận được tiền nhưng chỉ còn 18 triệu đồng, bởi 2 triệu tiền “phí đi lại” đã bị trừ ngay vào tiền gốc.
“Tụi nó đưa 20 triệu trả trong vòng 25 ngày, mỗi ngày góp 1 triệu. Nhưng khi đưa tiền thì nó chỉ đưa 18 triệu. Nó nói nó lấy 2 triệu là tiền phí gì đó của nó. Như vậy nó đưa cho 18 triệu mà góp thành thành 25 triệu, mỗi ngày 1 triệu”, ông Lập kể lại.
Còn chị Trần Thị Ninh (ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) vay nóng của một số đối tượng với số tiền ban đầu chỉ 5 triệu đồng, lãi suất 3%/ngày, sau 10 ngày phải trả hết cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, sau 10 ngày do chị không có khả năng trả hết nợ, bằng nhiều thủ đoạn, chúng khiến nợ mới chồng lên nợ cũ, sau 2 tháng, chị Ninh được thông báo đã nợ lên tới 150 triệu đồng.
“Nói chung lãi mẹ đẻ lãi con không bao giờ dừng lãi được, nhưng mình gỡ lúc nào thì họ cho lún lúc đấy. Họ không cho cơ hội, khi mình trả lần 1 họ tiếp tục đòi lần 2, mình chấp nhận trả lần 2 thì họ đòi lần 3. Nếu mình chấp nhận trả hết 150 triệu thì không liên quan đến họ 1 ngày nào nữa, nhưng khi mình chấp nhận trả 150 triệu, thì họ đòi 155 triệu mới chấp nhận, rồi bắt buộc mình ký trên giấy nợ 30 triệu”, chị Ninh cho hay.
Trừ luôn tiền lãi vào tiền vay, trả lãi theo ngày hoặc theo tháng với mức lãi suất khủng khiếp; 20% trong 40 ngày, 15%/tháng hoặc 150%/năm, cá biệt có những vụ lãi suất quy đổi lên tới 300%/năm.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, các đối tượng tổ chức hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi đa phần đều là người ở các địa phương từ các tỉnh phía Bắc, hoạt động theo băng nhóm.
Ở TP. Hồ Chí Minh, theo thống kê của công an thành phố, có 873 đối tượng hoạt động cho vay trái pháp luật, riêng năm 2018, Công an thành phố đã phát hiện 60 nhóm, hơn 320 đối tượng có hoạt động tín dụng trái phép.
Tỉnh Long An có 31 nhóm với 530 đối tượng. Còn tại Đồng Nai, công an cũng đã phát hiện 21 nhóm với 172 đối tượng, đã xử lý 10 vụ, 27 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, khởi tố 4 vụ với 8 bị can. Riêng Đồng Nai, đã xác định được khoảng 131 người là nạn nhân của cho vay nặng lãi với số tiền khoảng 1,4 tỷ đồng.
Tín dụng đen hoành hành khắp nơi và vô cùng phức tạp từ nhiều năm nay. Các cơ quan chức năng đã cảnh báo người dân về các thủ đoạn này và điều tra bắt giữ nhiều nhóm đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, những chiếc vòi bạch tuộc này chỉ bị chặt đứt vài mắt xích và nó lại tiếp tục mọc ra./.
Bài viết cùng loạt bài "Tín dụng đen hoành hành":