“Có những dự án chung cư quỹ bảo trì lên tới 500 tỷ đồng. Đây là “miếng mồi” để nhiều người tìm cách vào Ban Quản trị nhằm trục lợi, coi đây là phương thức kinh doanh". Thông tin được Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea) đưa ra Hội thảo “Ai bảo vệ quyền lợi cư dân?” diễn ra sáng nay (11/3).
Nhiều điển hình cho xung đột lợi ích giữa Ban Quản trị chung cư và người dân được đưa ra tại hội thảo như, không bảo vệ được quyền lợi của cư dân; chia rẽ trong nội bộ Ban Quản trị; có nhóm lợi ích câu kết với chủ đầu tư, được Ban Quản trị hậu thuẫn nên lộng quyền… Ban Quản trị không họp cư dân để thông qua, nhưng tự ý gửi các văn bản tới cơ quan chức năng ký các hợp đồng kinh tế trái quy định…
Ngoài ra, Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng đã có quy định nhưng Ban Quản trị không công bố quy chế hoạt động, không công bố thu chi tài chính hàng tháng. Ban Quản trị sử dụng quỹ quản lý, vận hành do cư dân đóng góp hàng tháng sai quy định. Đặc biệt, có trường hợp Ban Quản trị đưa ra quy định bất hợp lý như những trao đổi giữa Ban Quản trị và Ban Quản lý là thông tin mật, không được phép công khai, thảo luận…
Nhiều đại biểu tại hội thảo chỉ ra một bất cập, đó là theo quy định, cần có đủ 50% chủ sở hữu căn hộ gửi đơn đề nghị tổ chức Hội nghị nhà chung cư bất thường, để bãi nhiệm Ban Quản trị thì chính quyền địa phương mới có cơ sở thực hiện. Thế nhưng, quy định này là bất khả thi vì chủ sở hữu nhiều chung cư phần lớn là đầu tư và cho thuê, không trực tiếp sinh sống nên không có thông tin.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, có những dự án chung cư mà quỹ bảo trì lên tới hơn 500 tỷ đồng. Những toà nhà chung cư 20 tầng thì quỹ bảo trì rơi vào khoảng 20 tỷ đồng. “Đây là miếng mồi để nhiều người tìm cách vào Ban Quản trị để trục lợi, coi đây là phương thức kinh doanh”, ông Châu cảnh báo.
Ông Châu cũng khẳng định, người bảo vệ cho quyền lợi cư dân là các cơ quan Nhà nước thông qua thể chế pháp luật. Đối với nhà chung cư, pháp luật phân định rất rõ trách nhiệm của UBND cấp phường, cấp quận. Ngoài ra, người bảo vệ cư dân còn là các chủ đầu tư chính trực và chính những Ban quản trị chung cư.
“Những xung đột lợi ích giữa Ban Quản trị nhà chung cư với lợi ích của cộng đồng cần phải uốn nắn, chấn chỉnh. Vai trò của Ban Quản trị hiện nay là không thể thiếu, nhưng cộng đồng vừa phải đấu tranh với mặt tiêu cực của những người trong Ban Quản trị, nhưng cũng phải khuyến khích, thúc đẩy để có nhiều Ban Quản trị làm tốt công việc của mình, để bảo vệ quyền lợi của cư dân”, ông Châu đề xuất./.