Ngày 24/4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc thực hiện pháp luật về quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, tỷ lệ tranh chấp khiếu nại về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung chủ yếu xảy ra tại Hà Nội, TP HCM với tổng số 458 tranh chấp, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý vận hành (chiếm khoảng 10,3% tổng số nhà chung cư cả cũ và mới).

Trong đó có 68 tranh chấp về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2%, chiếm tỷ lệ khoảng 3,4% tổng số nhà chung cư có quỹ bảo trì (khoảng 2000 tòa). Các tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung gồm: Chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho ban quản trị (79% tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì).

Tại hai thành phố lớn, tình hình tranh chấp, khiếu nại liên quan đến kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2% cụ thể: Hà Nội có 39 tòa có tranh chấp/919 tòa chiếm tỷ lệ 4,2%; tại TP. Hồ Chí Minh là 15 tòa có tranh chấp/867 tòa chiếm tỷ lệ 1,7%.

vov_cc2_kxvz.jpg
Các tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung diễn ra ở nhiều chung cư ở Hà Nội và TP HCM.

Với những con số được dẫn ra nêu trên, xét về mặt số học thì có thể nói tỷ lệ tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư là không lớn. Nhưng từ góc độ kinh tế và xã hội, tỷ lệ nhỏ vẫn tiềm ẩn mối họa lớn. Bởi lẽ, tỷ lệ tòa nhà có tranh chấp về kinh phí này có thể không lớn, nhưng số tiền phí có thể lớn với mỗi căn chung cư nói riêng và cả tòa nhà chung cư nói chung, tùy thuộc vào giá bán mỗi căn chung cư. Thực tế đã có những vụ lùm xùm tranh chấp khoản phí này lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng mà báo chí đã tốn nhiều giấy mực phản ánh.

Cho nên, ẩn họa không chỉ nằm ở nguy cơ bị chủ đầu tư chây ì bàn giao quỹ này để chiếm dụng kinh phí sử dụng vào mục đích khác mà còn ẩn họa cả khi đã được bàn giao về ban quản trị nhà chung cư nhưng ban quản trị này không quản lý minh bạch và sử dụng đúng mục đích. Như thế, trong cả 2 trường hợp này, nguy cơ phí bảo trì chung cư bị “bốc hơi”, thất thoát, xà xẻo bởi một tổ chức hoặc cá nhân nào đó là nhãn tiền.

Trong khi đó, bản chất của tiền kinh phí bảo trì chung cư này là để sẵn sàng phụ vụ cho việc bảo trì chung cư. Như thế, trong khi còn đang bị tranh chấp thì nếu phát sinh sự cố, nhu cầu cần sử dụng quỹ để bảo trì nhà mà không được đáp ứng kịp thời thì hậu quả sẽ ra sao. Đơn cử, nếu vì không giải ngân được hoặc chậm giải ngân vốn này để bảo trì hệ thống phòng chống cháy nổ thì trách nhiệm với hậu quả, nếu có, ai chịu? Trước khi trả lời được câu hỏi này thì các cư dân là người bỏ tiền đóng phí bảo trì lại phải gánh hậu quả do quỹ không được dùng đúng và kịp thời.

Câu chuyện quản lý kinh phí bảo trì chung cư đã trở nên rất nóng và báo chí phản ánh nhiều, nhưng dường như cơ quan quản lý liên quan vẫn loay hoay, thậm chí chưa thấy cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm. Sau mỗi trận cư dân căng băng rôn đòi quyền lợi, đòi minh bạch… quản lý khoản kinh phí này, ở nhiều dự án, thậm chí đã có những vụ việc cư dân và chủ đầu tư kéo nhau ra tòa phân tranh quyền lợi, dường như cơ quan quản lý nhà nước về nhà chung cư vẫn… đứng ở rất xa đâu đó trong những bức xúc của dư luận.

Thêm nữa, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải trình, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên, do một số chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án, chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng của mình. Vì thế họ không mở tài khoản riêng để quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2% và đưa khoản tiền này phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh của mình. Vậy câu hỏi đặt ra, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thẩm định dự án, thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư thực hiện dự án và giám sát thực hiện vài trò của chủ đầu với chung cư sau khi bàn giao cho khách hàng như thế nào?

Cho nên, dù giải thích cách nào, vướng ở đâu, từ cơ chế, chính sách, khung pháp lý hay năng lực quản trị của mỗi ban quản trị chung cư, mỗi chủ đầu tư hay một cơ quan cụ thể nào liên quan thì trách nhiệm trước hết vẫn phải là ở cơ quan quản lý nhà nước về nhà chung cư và các cơ quan hành pháp, liên quan việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của cư dân và bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật.

Theo giải thích của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng trên báo chí cho biết, thành phố có đôn đốc, yêu cầu bàn giao, nhưng việc cưỡng chế thực hiện cũng còn nhiều vướng mắc, vì chủ đầu tư không lập tài khoản riêng. Cưỡng ở tài khoản nào? thu tiền đó như thế nào và cưỡng chế xong chuyển tới tài khoản nào?

Xin thưa, ông TP Hà Nội có đôn đốc và vướng, nhưng tại sao nhiều năm nay vấn đề này vẫn vướng tứ phía, trong khi xây dựng và giám sát thực thi chính sách, đề xuất điều chỉnh chính sách hẳn là có vai trò tham gia và tham mưu của hệ thống chính quyền nhiều cấp, không riêng gì thành phố? Và trong khi chưa giải quyết được tranh chấp, thì chắc chắn quỹ bảo trì chung cư vẫn đang “đẻ trứng vàng” cho một ai đó hưởng một cách bất chính./.